Thứ Sáu, 17/5/2024
Khoa học
Thứ Bảy, 23/6/2018 8:55'(GMT+7)

Cần chấm dứt việc sử dụng phần mềm không có bản quyền

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền tại một số thị trường phát triển lại khá thấp như: Nhật Bản (16%), Xin-ga-po (27%), Hàn Quốc (32%)… Còn trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ này khoảng 37%. Việc sử dụng phần mềm không bản quyền kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh mạng.

Nhiều nghiên cứu về các cuộc tiến công từ tin tặc nước ngoài vào Việt Nam do Công ty BKAV thực hiện cho thấy, hầu hết những cuộc tiến công lớn, xảy ra diện rộng một phần do máy tính cài phần mềm lậu dẫn tới bị lây nhiễm mã độc. Ðể xử lý hậu quả cho mỗi máy tính có thể tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Theo các chuyên gia, tình trạng xâm phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến thời gian qua do ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân chứ không hẳn từ nhận thức. Nhiều doanh nghiệp lớn, nắm rất rõ pháp luật về SHTT nhưng vẫn sử dụng phần mềm lậu, vi phạm quyền SHTT. Ðiều này được cho là do các đơn vị sử dụng phần mềm không bản quyền để giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận và tranh thủ lợi thế cạnh tranh tại thị trường. Hầu hết người dùng, doanh nghiệp sử dụng các phần mềm không có bản quyền đều lấy lý do không đủ tiền mua hoặc chi phí đầu tư quá lớn.
 

Những nhận thức đó đang dần phải thay đổi khi Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về vấn đề SHTT. Mặt khác, Bộ luật Hình sự ban hành năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Với việc tăng mức xử lý những vi phạm từ xử phạt hành chính, dân sự lên xử lý hình sự, sẽ giúp giảm tình trạng xâm phạm bản quyền. Nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng vi phạm SHTT sẽ vẫn kéo dài là do chế tài chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, không phải cứ có chế tài mạnh là người vi phạm sẽ từ bỏ hành vi vi phạm, mà phải có sự thay đổi từ nhận thức pháp luật và điều kiện kinh tế của họ.

Việc sử dụng phần mềm không bản quyền có thể tạo cho người dùng sự thuận tiện trước mắt, nhưng lại gây những tác hại về lâu dài, trong đó, rủi ro mất an toàn thông tin rất lớn. Ðáng chú ý, "văn hóa" sử dụng phần mềm "bẻ khóa" đã hình thành thói quen xấu, làm người dùng quên mất rằng đấy là những sản phẩm có quyền SHTT. Sử dụng hàng lậu sẽ giết chết ý tưởng sáng tạo của các đơn vị phát triển, gây tác động lớn đến nguồn tài chính phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của tổ chức, cá nhân về quyền SHTT, qua đó mới bảo đảm được nền kinh tế thương mại bình đẳng, ổn định để chuẩn bị cho hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Nhật Minh/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất