Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 13/5/2013 23:30'(GMT+7)

Cần chú trọng chương trình “lịch sử địa phương” trong nhà trường

Cần phải đổi mới cách giảng dạy để học sinh thực sự hào hứng trong mỗi tiết học. Ảnh Intenet

Cần phải đổi mới cách giảng dạy để học sinh thực sự hào hứng trong mỗi tiết học. Ảnh Intenet


Trong trường phổ thông, ngoài các tiết học chính khoá theo phân phối chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi môn học vào cuối kỳ đều có 2 tiết chương trình địa phương. Môn sử cũng nằm trong quy định ấy.

Chương trình sử địa phương không có một bài dạy cụ thể nào, phần lớn đều do các thầy cô chủ động biên soạn và thực hiện. Vì không có giáo án thống nhất, lại bố trí ở cuối kỳ nên thường bị bỏ qua hoặc cho học sinh tự tìm hiểu lấy. Điều này dẫn đến nhiều bất cập khi thực hiện triển khai tiết dạy lịch sử địa phương.

Thực tế trong các nhà trường: thầy cô dạy sử thường rất ngại dạy các tiết lịch sử địa phương bởi nhiều lý do:

Thứ nhất: môn sử vốn được xem là “môn phụ” nên giáo viên có rất ít giờ trên lớp (thường mỗi khối lớp chỉ có 1-2 tiết/tuần), nếu vì lý do gì mà phải nghỉ học tất nhiên sẽ chậm chương trình, và 2 tiết dạy sử địa phương được thầy cô chủ yếu dùng để dạy bù chương trình chậm.

Thứ hai: mỗi địa phương có một truyền thống lịch sử khác nhau. Thầy cô giáo muốn dạy tốt tiết lịch sử địa phương thường phải bỏ ra rất nhiều công sức tìm tòi, sưu tầm tài liệu. Việc sưu tầm tư liệu phục vụ cho tiết dạy lịch sử địa phương rất mất thời gian (chỉ ở những địa phương có di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia hoặc các nơi có danh nhân nổi tiếng mới có sẵn tư liệu để dạy). Mặt khác, nguồn tư liệu về thần phả địa phương không có căn cứ nào, chủ yếu dựa vào các câu chuyện truyền lại trong dân gian, vì thế những kiến thức lịch sử địa phương có khi chính những người trông coi di tích cũng không nắm vững nên việc cung cấp kiến thức lịch sử địa phương cho các thầy cô giáo quả là điều khó.

Thứ ba: Tiết dạy sử địa phương không có nội dung cụ thể trong chương trình, nên phòng giáo dục không có cơ sở để kiểm tra đánh giá. Giáo viên có thể “mạnh ai nấy làm”

Vì những nguyên nhân trên, tiết dạy lịch sử địa phương đã bị nhiều giáo viên dạy sử xem nhẹ, thậm chí là bỏ qua.

Trong thực tế, học sinh lại rất hào hứng với 2 tiết ít ỏi của chương trình này. Bởi qua đó, các em được biết thêm về những danh nhân văn hóa của quê hương mình. Các em cũng được đi tham quan những di tích lịch sử văn hoá của nơi mình sinh sống, để hiểu thêm về quê hương với những truyền thống tốt đẹp và công trạng của các bậc tiền nhân.

Những khó khăn cần giải quyết

Để dạy tốt chương trình sử địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đều có biên soạn cuốn “lịch sử địa phương” trong phạm vi một tỉnh, thành phố, nhưng cũng chỉ cung cấp chủ yếu các di tích lớn đã được xếp hạng. Tại những địa phương không có di tích lớn, việc tìm hiểu về thần phả di tích, thành hoàng làng gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, chương trình sử địa phương chủ yếu vẫn là các trường tự biên soạn, dẫn đến việc dạy bị tình trạng “xôi đỗ”. Để khắc phục, nên chăng, các phòng giáo dục và đào tạo cần chú trọng hơn đến việc hướng dẫn giáo viên giới thiệu di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của địa phương nơi trường đóng.

Có một số nơi, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một danh mục các di tích lịch sử địa phương (địa bàn cấp xã) để các trường học đăng ký chăm sóc di tích lịch sử địa phương và thực hiện thường kỳ. Một số trường đã tổ chức tiết ngoại khoá tham quan di tích lịch sử địa phương, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Bởi để có được 1 tiết tham quan di tích lịch sử, riêng việc đưa học sinh di chuyển từ trường đến nơi có di tích cũng phải mất thời gian mà một tiết học không thể làm được, rồi lại nhờ người thuyết minh về di tích. Vì mỗi tuần chỉ có 1 – 2 tiết sử, tiết tiếp theo trong thời khóa biểu, các em còn phải học môn khác. Đây là chưa kể cả những người trông coi di tích cũng chưa thể biết hết về thần phả của di tích mình được trông nom, chủ yếu trông coi là để quét dọn, bảo vệ và hương khói tại di tích mà thôi. Mong các nhà biên soạn phân phối chương trình cấp học lưu tâm, cho phép nhà trường tổ chức tham quan di tích lịch sử địa phương vào những thời gian hợp lý. Cần “mềm hoá” bằng cách bố trí cả buổi học là 4 tiết trong cùng 1 khối để các em được tham quan nghe giới thiệu về di tích lịch sử của địa phương mình. Có thể tổ chức liên kết một vài trường lân cận cùng xã (Tiểu học và THCS) nghe nói chuyện về các danh nhân lịch sử văn hoá của địa phương.

Một số trường đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu về danh nhân văn hoá của địa phương. Các em sẽ về hỏi ông bà cha mẹ, những người đi trước về các di tích lịch sử văn hoá của quê hương mình, cũng như những danh nhân văn hóa của nơi mình ở, để đem kiến thức ấy kể lại cho các bạn nghe giúp cho nội dung cuộc thi phong phú hơn. Một vài nơi tổ chức thi kể chuyện, sưu tầm những câu chuyện về di tích lịch sử danh nhân văn hóa. Trong đó, mở rộng phạm vi không chỉ ở làng xã mình mà đến “hàng huyện” và các địa phương lân cận. Điều này giúp cho các em tìm thấy những kiến thức lịch sử quý báu trong nhân dân, giúp cho những gương sang lịch sử được lưu truyền, không bị mai một. Một số nơi đã tổ chức thi tìm hiểu truyền thống lịch sử trong đó có phần giới thiệu tái hiện lịch sử theo hình thức sân khấu hoá về các danh nhân lịch sử địa phương.  Nhưng có một cái khó là căn cứ nào để các em có được những câu chuyện kể ấy, hay chỉ dựa vào các câu chuyện lưu truyền trong nhân dân mà thôi?

Bác Hồ đã dạy:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Biết lịch sử đất nước trước tiên phải biết lịch sử nơi mình sinh ra. Trên đất nước Việt nam ta, địa phương nào cũng có những thần phả về các vị Thành hoàng làng đã có công giúp dân khai phá, gây dựng cơ nghiệp trên vùng đất ấy. Mỗi nơi lại có một truyền thống lịch sử hào hùng khác nhau.  Các em học sinh cần phải biết về truyền thống lịch sử quê hương mình sinh ra và lớn lên, nơi mình đang sống có những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nào để tự hào và gìn giữ, đồng thời giới thiệu cho người ngoài địa phương biết những truyền thống ấy. Không thể chấp nhận một học sinh Đường Lâm mà lại không biết gì về mảnh đất hai vua. Cũng như không thể chấp nhận được một học sinh nơi Đền Gióng lại không hiểu biết về người anh hùng Thánh Gióng cùng những truyền thuyết đã đi vào huyền thoại.

Giải pháp nào?

Để giúp các nhà trường thực hiện tốt tiết học lịch sử địa phương, mỗi người được cử trông coi di tích đều cần phải hiểu thần phả của di tích ấy. Tất cả những người này cần phải được tập huấn để nắm được những điều cốt yếu về di tích. Nên chăng cử những người biết lịch sử cho hưởng lương, chịu trách nhiệm làm như một hướng dẫn viên du lịch điểm để giúp cho người dân nơi đó biết được thần phả công trạng của các bậc tiền bối nơi địa phương mình.

Nếu thời gian chưa cho phép, các thầy cô có thể sắp xếp tổ chức cho các em cùng khối nghe nói chuyện về di tích lịch sử địa phương trường đóng. Bác cáo viên có thể là người địa phương, có thể là chính thầy cô giáo. Để thực hiện được điều này đòi hỏi thầy cô phải bỏ công sưu tầm tài liệu, tuy mất nhiều công sức nhưng rất cần làm và phải được làm ngay. Bên cạnh đó, các nhà trường nên cùng với địa phương, các dòng họ biên soạn những tài liệu sử địa phương để giúp cho giáo viên dạy sử có điều kiện am hiểu hơn về di tích lịch sử địa phương. Bởi trong mỗi miền đất nước, nơi nào cũng có những di tích lịch sử đáng nhớ. Cho dù di tích ấy chưa được xếp hạng thì những công trạng của của các vị tiền bối trong làng xã nơi ấy cũng rất đáng để các em am hiểu mà tự hào. Bởi đó là những bậc tiền nhân khai phá gây dựng cơ nghiệp một vùng, giúp chúng ta có thêm hiểu biết về quê hương, thêm yêu quê hương đất nước, yêu làng xóm  nơi mình đang sống.

Chương trình lịch sử địa phương mỗi học kỳ chỉ có 1 - 2 tiết, nhưng nều biết cách làm tốt thì giá trị của nó không nhỏ chút nào. Để làm được điều đó, nhà trường cũng cần kết hợp với chính quyền địa phương, các dòng họ và Ban Văn hoá xã hội giúp cho nhà trường có cách làm hay và hiệu quả hơn. Làm sao để học sinh hiểu được lịch sử truyền thống quê hương mình, từ đó thêm yêu đất nước, đó là điều mong mỏi ở tất cả chúng ta. Sẽ thật xấu hổ khi người nước ngoài đến Việt Nam lại rành rọt những di tích lịch sử hơn người địa phương đang sống tại đó. Chúng ta mất nhiều tiền bạc để đi tham quan những nơi xa xôi, nhưng tại địa phương ta có những thần tích gì thì chúng ta lại để các em học sinh hiểu “lơ mơ”, như vậy là có tội với lịch sử mà cha ông đã dày công vun đắp.

Gần đây, hiện tượng hàng  trăm học sinh khối 12 của trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11- TP Hồ CHí Minh) đã xé đề cương môn lịch sử vào chiều 29/3/2013 ngay sau khi được công bố môn Sử không thi tốt nghiệp khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về tình trạng thờ ơ, (nếu không nói là “quay lưng” lại) với môn sử của học sinh. Đã đến lúc chúng ta cần xem lại cách dạy sử, học sử và việc tuyển dụng những chuyên ngành có liên quan đến môn Lịch sử.

Dạy lịch sử không chỉ đơn thuần là truyền đạt những kiến thức định sẵn trong khung chương trình ban hành của Bộ giáo dục. Dạy sử để giúp học sinh hiểu được lịch sử, từ đó có lòng tự hào dân tộc. Muốn vậy, không chỉ dạy các em những điều có sẵn trong sách giáo khoa, mà còn giúp các em hiểu truyền thống của cha ông, nhất là những truyền thống của địa phương mình. Đó chính là cái đích mà môn lịch sử cần hướng tới.

Vì thế, không thể coi nhẹ các tiết dạy “lịch sử địa phương”.
Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất