Thứ Hai, 20/5/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 30/9/2017 17:30'(GMT+7)

Xác định đúng giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việc định giá doanh nghiệp (DN) trong cổ phần hóa (CPH) hợp lý hay không hợp lý, đúng hay sai đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi nó quyết định mức độ thành công của quá trình CPH DN Nhà nước hiện nay. Một nhiệm vụ mà nếu làm tốt thì vừa tăng được nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước ở thời điểm mà Chính phủ đang phải cân đối từng đồng, hơn nữa lại là cơ hội để tạo sức sống mới cho DN; ngược lại, nếu làm không tốt thì vốn, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Thời gian qua, một số cuộc định giá giá trị DN khi CPH đã bị đặt dấu hỏi về tính hợp lý, chính xác. Có những giá trị cần được tính vào khi CPH thì lại bị bỏ qua, không tính hết, không tính đủ, như: Giá trị đất đai mà DN đang nắm giữ; giá trị thương hiệu; vấn đề tài chính của DN...

Tại cuộc họp báo chuyên đề về “Một số nội dung Dự thảo nghị định về cổ phần hóa DN Nhà nước” do Bộ Tài chính tổ chức hôm 27/9 vừa qua, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trong dự thảo nghị định, cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh các nội dung nêu trên, nhằm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản Nhà nước khi CPH. Ông Tiến cho rằng, truyền thống, tài năng của các nghệ sĩ cũng cần được tính đến khi định giá thương hiệu đơn vị liên quan đến nghệ thuật. Rồi mục đích sử dụng đất sẽ được quản lý chặt, thực hiện theo đúng quy hoạch đất đai, nếu thay đổi mục đích sử dụng đất thì sẽ phải tính toán lại giá trị. Thêm nữa, vị trí đắc địa của mảnh đất cũng sẽ được định giá theo đúng tiềm năng của nó...

Để việc định giá sát với đánh giá của thị trường, dự thảo nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building). Đây là một phương pháp phổ biến trên thế giới. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành định ra khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư (qua việc tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư) để xác định mức giá cuối cùng. Nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong việc định giá, tới đây, Kiểm toán Nhà nước sẽ được huy động để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị DN Nhà nước lớn (vốn từ 1.800 tỷ đồng trở lên) hoặc các trường hợp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Có thể nói, tư duy, cách thức định giá DN nêu trên là hướng đúng đắn. Nó càng trở nên quan trọng hơn khi đối tượng CPH trong giai đoạn tới đây phần lớn là các DN Nhà nước lớn, có tính đặc thù.

CPH là xu hướng tất yếu để thu hút nguồn lực, tăng hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, tính hiệu quả kinh tế phải được đặt lên trên hết. Tiến trình CPH cần được thực hiện quyết liệt nhưng cũng phải hết sức chắc chắn. Chỉ nên CPH khi cách tính giá đã chặt chẽ, các điều kiện, thời điểm đều chín muồi, để nguồn tài chính thu lại cho Nhà nước là lớn nhất. Những DN Nhà nước nào thua lỗ, không CPH được thì có thể thực hiện theo các cách thức khác, như: Bán, giải thể, phá sản.../.

Hồ Quang Phương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất