Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 4/10/2017 16:32'(GMT+7)

Từ chuyện 'lạm phát' lãnh đạo, cần 'chưng cất' lại bộ máy cơ quan hành chính

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

“Lạm phát” lãnh đạo

Thông tin phản hồi từ Tổng cục Môi trường cho thấy, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thành lập năm 2014 trên cơ sở điều chuyển, sắp xếp lại tổ chức và con người từ Thanh tra Tổng cục Môi trường trước đây. Theo quy định, Cục có Văn phòng và 4 phòng chuyên môn, tổng số công chức và hợp đồng lao động là 25 người, trong đó có 3 lãnh đạo Cục, 13 lãnh đạo cấp phòng, 6 chuyên viên và 3 hợp đồng lao động. Việc bố trí cán bộ là phù hợp với thực tế và quy định tại thời điểm đó. Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục, đã có một số cán bộ xin chuyển công tác. 

Song, một thực tế cũng được báo chí chỉ ra, đó là do “thiếu cán bộ lãnh đạo” Cục nên Tổng cục Môi trường đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm một lãnh đạo cấp phó khi còn chưa có bằng lý luận chính trị (từ trung cấp trở lên); chưa có quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính.

Phải khẳng định rằng, việc lãnh đạo nhiều hơn nhân viên không phải là hiện tượng hiếm gặp khi cách đây hơn nửa năm, sau những phanh phui về việc bổ nhiệm “thần tốc” Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản ở Sở Xây dựng Thanh Hóa thì Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó cũng công bố con số giật mình: 28 cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016. 
Trong đó, 14 đơn vị sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; 10 đơn vị sai phạm về tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức; 4 đơn vị sai phạm trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ... 
 
Đáng chú ý, Sở Tư pháp tỉnh này có tới 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên nhưng chỉ có 18 công chức và người lao động. Tại Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh có 1 cấp trưởng, 1 cấp phó, không có cấp trưởng phòng và phó phòng, không có nhân viên. Phòng Công chứng số 2 có 1 cấp trưởng, 1 cấp phó, không có nhân viên.

Kết quả kiểm tra được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa công bố ngày 29/9 vừa qua cho thấy, lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có nhiều sai phạm về công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức trong giai đoạn 2010-2015. Đến thời điểm ngày 31/12/2015, Sở này bổ nhiệm thừa 6 phó trưởng phòng chuyên môn; bổ nhiệm 45 trường hợp khi chưa đủ tiêu chuẩn và 4 trưởng phòng, phó trưởng phòng khi đã quá tuổi bổ nhiệm so với quy định của UBND tỉnh...

Gần một năm trước, báo chí cũng đã tốn khá nhiều giấy mực để thông tin về vụ việc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế công chức thì 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó trưởng phòng trở lên. 
 
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, tại thời điểm ngày 15/10/2016, Sở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 9 phòng với số lượng phó trưởng phòng là 31 người, trong đó có 6 phòng chuyên môn có số lượng phó trưởng phòng nhiều hơn số lượng đề xuất tại Đề án xác định vị trí việc làm do Sở này trình UBND tỉnh là 8 người.

Mới đây, hai Sở Nội vụ và Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác cán bộ. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc có 45 công chức thì có 38 người làm lãnh đạo từ ban giám đốc đến lãnh đạo các phòng, ban (gần 85% công chức sở làm lãnh đạo), chỉ có 7 chuyên viên; trong đó nhiều phòng 100% công chức đều là lãnh đạo. Sở Nội vụ tỉnh cũng có số lãnh đạo được bổ nhiệm nhiều hơn so với quy định, có phòng ban có tới 9/12 công chức làm lãnh đạo.

“Chưng cất” lại bộ máy

Trong buổi làm việc buổi làm việc với Chính phủ vào tháng 8/2017, Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 đã chỉ ra rằng, Bộ Công Thương có tỷ lệ lãnh đạo/công chức là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5… Nhiều bộ, ngành cùng chung cảnh số cán bộ quản lý cấp cục, vụ vượt quá quy định.

Dư luận băn khoăn cơ quan toàn lãnh đạo thì lấy đâu nhân viên để làm việc, ngân sách nào có thể cáng đáng nổi phần phụ cấp trách nhiệm cho toàn bộ đội ngũ lãnh đạo đó? Đây chỉ là một phần nổi được báo chí phát hiện và “điểm mặt, chỉ tên”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng sếp nhiều hơn lính không chỉ làm cho bộ máy nặng về quan liêu, lãnh đạo thường không làm việc cụ thể mà chỉ “chỉ tay 5 ngón, không có người làm, chỉ có người giao việc” mà còn khiến cho tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy càng phổ biến và chất lượng trong tham mưu, tổ chức, điều hành hệ thống không cao, tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng.

Vấn đề cần nhìn sâu xa hơn ở đây, đó là sự bất ổn trong tổ chức bộ máy cơ quan hành chính. Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. 
 
So sánh thời điểm năm 2011 với tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5. Ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7.

Theo ông Lê Thanh Vân, bộ máy nhiều tầng nấc trung gian, phân công nhiệm vụ không mạch lạc nên các chức vụ lãnh đạo chiếm đến 3/4 là điều đương nhiên. Quy định hiện nay cho phép có bao nhiêu phòng, ban và tối thiểu, tối đa bao nhiêu lãnh đạo thì họ sẽ lắp cho đủ.

Chuyên gia cải cách hành chính Đinh Duy Hòa thì cho rằng công chức lãnh đạo nhiều hơn nhân viên nhưng vẫn đúng quy định. Vụ 20 người mà lại có 3 phòng thì chắc chắn sau này lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định. Thế nên, “bổ nhiệm thêm lãnh đạo cấp phó phòng mà vẫn trong khuôn khổ thì tội gì không làm, tạo động lực cho công chức làm việc, mà lãnh đạo được anh em ủng hộ”. 

Trong khi sức ép nợ công đang ngày càng lớn thì chi tiêu nuôi bộ máy chiếm một tỷ trọng rất lớn, chi thường xuyên hiện dao động khoảng 70% ngân sách. “Chưng cất” lại bộ máy, tái cấu trúc bộ máy cho thật khoa học, hợp lý, kiên quyết cắt bỏ tầng nấc trung gian, đó là vấn đề cần đặt ra và cũng là nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) lần này.

Chu Thanh Vân/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất