Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 21/3/2009 14:53'(GMT+7)

Cần có gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Huyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố hiện có 7.000 doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, 3.000 doanh nghiệp đang thoi thóp. Hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều băn khoăn nhất là số lao động mất việc sẽ sống ra sao khi thất nghiệp, không có thu nhập...

Dễ bị tổn thương khi kinh tế suy thoái

Theo ông Huyến, một loạt chính sách tập trung cho kích cầu như hỗ trợ 4% lãi suất, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến lực lượng đóng góp cho nền kinh tế. Trong đó, các chính sách cũng tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (viết tắt là SME). Mặc dù tác động thu ngân sách là rất nhỏ nhưng SME đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội.

Ông Huyến cho rằng thực tế nhiều SME phản hồi là chính sách giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp không tác động tới họ được do kinh doanh thua lỗ. Như vậy, chỉ có các doanh nghiệp đang khỏe mạnh, làm ăn có lãi mới được hưởng ưu đãi giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp mà thôi.

Ông Huyến giải thích: “Không có lợi nhuận tức là thua lỗ thì doanh nghiệp lấy đâu lãi để nộp thuế mà được giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để có những phương án đề xuất Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho các đối tượng này. Việc cần làm hiện nay là cần phải có đánh giá tác động các chính sách vừa qua vào đối tượng này như thế nào. Tuy nhiên, hiện có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp; số doanh nghiệp thua lỗ, không được hưởng chính sách này là bao nhiêu thì cũng chưa có con số thống kê cụ thể. Tổng cục Thuế đang tập hợp số liệu từ các cục thuế địa phương”.

Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, Đại học Tổng hợp Bruxelles (Bỉ), cho biết các nghiên cứu mới đây về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều chỉ ra rằng: ổn định xã hội phụ thuộc nhiều vào công ăn việc làm, mà đại đa số công ăn việc làm ở Việt Nam được tạo ra bởi SME.

Theo tiến sĩ Hoàng, dù chiếm trên 95% trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhưng SME là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế suy thoái. Bởi các SME thường hạn chế về công nghệ, về năng lực quản lý, điều hành, thiếu vốn và thiếu khả năng tiếp cận với thị trường bên ngoài.

Cần có chính sách riêng cho SME

Theo đề xuất của tiến sĩ Hoàng, cần phải tạo thêm vốn cho SME. Thiếu vốn, những chính sách khác sẽ khó lòng phát huy tác dụng. Chắc chắn cần chính sách tín dụng riêng cho SME với lãi suất thấp, giảm các điều kiện cho vay. Hiện nay chính sách cho vay là cào bằng, như thế SME sẽ rất thiệt. Bởi mấy SME quá bé, tài sản thì ít, khó có điều kiện thế chấp. Nhiều khi gửi hồ sơ đến vay, không ít ngân hàng đã ngại và từ chối các khoản vay nhỏ của SME. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có thiết kế các loại tín dụng với chi phí thấp dành cho SME.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên miễn thuế người đầu tư SME. Đây là cách tốt để các SME gặp khó khăn tài chính không phải lệ thuộc hoàn toàn vào tín dụng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài ba năm sẽ tạo điều kiện tốt để khu vực SME bứt lên.

Ông Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Về giải pháp lâu dài để hỗ trợ cho khu vực SME, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 90 năm 2001 về hỗ trợ phát triển SME. Theo ông Trung, dự thảo nghị định có nhấn mạnh đến việc các địa phương phải dành một phần quỹ đất cho SME. Đồng thời, dự thảo có nêu việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển SME. Nguồn vốn cho quỹ này một phần do nhà nước hỗ trợ, phần khác phải do doanh nghiệp, do cộng đồng đóng góp để khi SME khó khăn thì hỗ trợ. Dự kiến nghị định mới sẽ được ban hành trong tháng 4 tới.

(Theo PL TP.HCM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất