(TCTG)- Phát triển kinh tế mù quáng sẽ huỷ hoại môi trường. Song, phát triển một nền kinh tế với phương châm công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách có ý thức, sáng suốt, có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, của toàn thể xã hội thì việc bảo vệ môi trường sẽ được đảm bảo
Phát triển bền vững (PTBV) là một chiến lược phát triển mới của xã hội loài người. Đó là “sự phát triển đáp ứng được yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”(1).
“Tăng trưởng kinh tế là một phương tiện cơ bản để có thể có được phát triển, nhưng bản thân nó chỉ là một đại diện rất không hoàn hảo của tiến bộ xã hội”(2). Vậy, sự không hoàn hảo của tăng trưởng kinh tế trong tương tác của nó với môi trường trong PTBV được thể hiện như thế nào?
Điều rất dễ nhận thấy và không thể bác bỏ là: hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường sinh thái không dung hoà nhau mà bộc lộ những mâu thuẫn mang tính sinh tồn ngày càng trở nên rất rõ nét trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là để làm kinh tế và đạt bằng được các mục tiêu kinh tế, các mối liên quan về môi trường sinh thái đã bị bỏ qua, thiếu sự tôn trọng khi ứng dụng khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Đối với các nước đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò rất to lớn, đóng góp đáng kể vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Song, nếu khai thác nguồn tài nguyên này một cách quá mức, dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân đối nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường gia tăng. Đó chính là hậu quả lớn nhất do tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm bảo vệ môi trường. Dẫn đến là: ngày càng nhìn thấy rõ giới hạn của sự tăng trưởng là việc chuyển đổi từ trạng thái con người bị thiên nhiên đe doạ và phải chống lại nó trước đây, sang trạng thái con người đang đe doạ thiên nhiên, xâm hại đến môi trường, trong khi môi trường là yếu tố không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của chính con người. Theo nhiều dự báo, nếu con người cứ khai thác như mức hiện nay, trong số các tài nguyên khoáng vật (tài nguyên không tái tạo được) có thể duy trì: sắt được 173 năm, than được 150 năm, nhôm được 55 năm, đồng được 48 năm, vàng được 29 năm; các nguồn tài nguyên sinh vật, rừng rậm trong 170 năm nữa sẽ bị đốn hết, trong đó, mưa rừng nhiệt đới có thể hết nhẵn sau 40 năm nữa. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, hiện nay trên trái đất đã không còn tìm thấy một vùng đất nào hoàn toàn không bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trái đất không chỉ tạo ra khủng hoảng sinh thái mà còn tạo ra khủng hoảng sinh tồn của con người”(3).
Đã có rất nhiều bài học cho các nước vì quá coi trọng tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo được sự bứt phá lớn về kinh tế, mong vượt lên các nước khác về kinh tế, song đã phải trả giá đắt về việc làm cạn kiệt và suy thoái môi trường. Trung Quốc – quốc gia có sự phát triển thần kỳ về nền kinh tế đã trở thành gánh nặng cho môi trường là một ví dụ.
Trung Quốc hiện có 16 trong 20 đô thị ô nhiễm nhất trên thế giới; 4 đô thị tệ nhất nằm ở vùng Đông Bắc giàu than đá (70% nhu cầu năng lượng của Trung quốc lấy từ than đá). Mưa acid chứa sunphur dioxide từ các nhà máy điện than đá thải ra rơi trên 1/4 lãnh thổ Trung Quốc, làm giảm năng suất mùa màng và xói mòn mọi công trình xây dựng. Đất đai Trung Quốc cũng tàn lụi vì phát triển. Phá rừng, song song với khai thác quá mức đồng cỏ để nuôi súc vật và canh tác đã biến các vùng ở Đông Bắc Trung Quốc thành sa mạc. Sa mạc Gôbi đang dần xâm chiếm miền Tây và Bắc Trung Quốc, lan rộng mỗi năm khoảng nửa triệu héc ta. 1/4 lãnh thổ Trung Quốc nay đã thành sa mạc do mất rừng. Cục Lâm vụ Trung Quốc ước lượng là hiện tượng sa mạc hoá đã biến 400 triệu dân Trung Quốc thành người tị nạn môi sinh, phải tìm kiếm nơi ở mới. Đất đai bị ô nhiễm cũng gây lo ngại về an toàn thực phẩm. Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà là hai nguồn cung cấp nước quan trọng nhất cho Trung Quốc bị ô nhiễm nặng. Sông Dương Tử tiếp nhận 40% nước cống, hơn 80% nước thải chưa qua xử lý. Sông Hoàng Hà cung cấp nước cho 150 triệu người và nước tưới cho 15% đất nông nghiệp Trung Quốc, nhưng 2/3 nước sông này không an toàn và 10% vào loại nước cống thải. Báo cáo tiên đoán lượng mưa ở lưu vực 3 con sông trong 7 lưu vực chính của Trung Quốc, nghĩa là các vùng xung quanh sông Hoài, sông Liêu và sông Hải sẽ giảm, làm mất đi 37% sản lượng lúa mì, lúa gạo và bắp vào năm 2050. Để sản xuất một đơn vị hàng hoá, Trung Quốc phải tiêu thụ tài nguyên gấp 7 lần so với Nhật Bản, 6 lần so với Hoa Kỳ và 3 lần so với Ấn Độ(4).
Cũng giống như một số nước đang phát triển khác, tình trạng ô nhiễm môi trường do tăng trưởng kinh tế gây ra ở Việt Nam là điều không tránh khỏi, đang là một trong những vấn đề bức xúc đòi hỏi phải giải quyết hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế quốc tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua rất ngoạn mục. Tuy nhiên, cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam rằng, chúng ta không thể chạy theo các chỉ số tăng trưởng kinh tế mà bất chấp tình trạng môi trường sống đang bị hủy diệt quá nhanh. Nói cách khác, môi trường bị hủy diệt chính là mặt trái của tăng trưởng ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu môi trường ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy: thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong 10 tỉnh thành phố được điều tra có tỉ lệ ô nhiễm môi trường cao nhất, đặc biệt là ở các khu công nghiệp trọng điểm. WB nhận định: ô nhiễm môi trường chính là thách thức chính đối với tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam.
Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã chỉ ra rằng, bây giờ là thời điểm mà Việt Nam cần kiên trì theo đuổi phát triển bền vững. Nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường thì Việt Nam sẽ có thể xóa đi tất cả các thành tựu đã đạt được từ trước tới nay… Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh: 20 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, nhưng cứ tăng 1 GDP mà không có chiến lược môi trường thì sẽ mất đi 3GDP về môi trường.
Đảm bảo một sự cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng kinh tế với đòi hỏi bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo môi trường, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thế hệ hiện tại trong tăng trưởng và phát triển, vừa không làm phương hại gì đến nhu cầu và khả năng ứng dụng các nguồn tài nguyên của các thế hệ tương lai là một yêu cầu bức thiết của PTBV. Vì thế, PTBV về kinh tế và PTBV về môi trường thực chất là phát triển “ bình đẳng và cân đối” để duy trì sự phát triển mãi mãi, để cân bằng giữa lợi ích của các nhóm người trong cùng một thế hệ và giữa các thế hệ. Thực hiện sự phát triển “bình đẳng và cân đối” về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sẽ chấm dứt tình trạng đi kèm với lợi nhuận tăng cao là cái giá phải trả bằng tính mệnh của người dân bị đe doạ… do ô nhiễm môi trường từ tăng trưởng kinh tế.
Phát triển “bình đẳng và cân đối” giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của PTBV. Để thực hiện được vấn đề đó, cần phải:
Một là, thay đổi nhận thức của các chủ thể kinh tế theo định hướng mới cần thiết về phát triển kinh tế (cả cấp vĩ mô và vi mô) trong việc ngăn cản sự chuyển biến nhanh những nhận thức về sinh thái trong hoạt động kinh tế, chấm dứt cách tư duy: một nền kinh tế hài hòa với môi trường sẽ làm thiệt hại đến mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thật cao là vấn đề trọng tâm cần làm trước còn việc bảo vệ môi trường thì sẽ thực hiện sau và có thừa tiền để sửa sai nếu xảy ra ô nhiễm môi trường…
Xã hội hoá giáo dục môi trường cần được thực hiện và triển khai nhanh chóng đối với các chủ thể kinh tế. Bởi lẽ, sự tác động vào môi trường tự nhiên một cách tự phát và gây thảm hoạ không chỉ cho môi trường tự nhiên mà còn tác động xấu đến sự tăng trưởng kinh tế khi những chủ thể này chưa nhận thức đúng đắn vai trò của môi trường, của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh tế.
Hai là, việc đưa các vấn đề môi trường vào trong quá trình lập kế hoạch phát triển quốc gia nói chung, trong phát triển kinh tế nói riêng phải được coi là một trong những giải pháp quan trọng để vượt qua thách thức về môi trường; cần sớm đưa bảo vệ môi trường thành một ngành kinh tế, thành chính sách kinh tế điều tiết hoạt động phát triển. Đó vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân ở cả vĩ mô và vi mô, dài hạn và ngắn hạn cần có sự kết hợp việc khai thác tiềm năng với việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nhằm đảm bảo PTBV.
Ba là, giảm thiểu giới hạn mâu thuẫn giữa hệ thống kinh tế và hệ thống sinh thái thông qua việc thích ứng mục tiêu kinh tế và cách thức tác động nó vào nhu cầu sinh thái. Khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên trong hệ thống tự nhiên, hệ thống tái tạo trong tăng trưởng kinh tê. Cần nắm vững quy luật của sự phát triển đều có giới hạn trong mỗi hệ sinh thái sử dụng trên nguyên tắc bảo vệ và phát triển bền vững. Phát hiện và khuyến khích mục tiêu hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển giao công nghệ, thực hiện công nghệ “xanh và sạch”… trong hoạt động kinh tế.
Bốn là, áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lý môi trường: đánh thuế các sản phẩm có thể và gây ô nhiễm môi trường, thu lệ phí với các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi trường, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường của các tổ chức, cá nhân theo Luật Môi trường ban hành; ưu đãi, đầu tư cho các hoạt động kinh tế thân thiện, cải thiện với môi trường tự nhiên.
Phát triển kinh tế mù quáng sẽ huỷ hoại môi trường. Song, phát triển một nền kinh tế với phương châm công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách có ý thức, sáng suốt, có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, của toàn thể xã hội thì việc bảo vệ môi trường sẽ được đảm bảo. Đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường chính là thực hiện sự PTBV về tăng trưởng kinh tế, về bảo vệ môi trường./.
TS. Nguyễn Thị Mỹ Trang
Ths. Nguyễn Thái Sơn
———————
(1) Báo cáo “Tương lai của chúng ta” của Hội đồng phát triển thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của LHQ, năm 1992.
(2) Ngân hàng thế giới, Phát triển và Môi trường, Báo cáo phát triển thế giới năm 1992, Hà Nội, 1993, tr.14.
(3). PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh, Những vấn đề chủ yếu về kinh tế phát triển, Nxb CTQG, H, 2006, tr.89-90.
(4). Thời báo Kinh tế Sài gòn, số 39, ngày 29-9-2007, tr.58-59.