Nhớ cách đây hơn một tháng, tác giả bài viết này đến gặp phỏng vấn NSƯT Bùi Cường, để gia đình ông chia sẻ bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc nhân Ngày Quốc tế gia đình (28-6), viết bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Vợ chồng nghệ sĩ đã rất vui vẻ, cởi mở chia sẻ trong niềm vui hạnh phúc và trân trọng lẫn nhau. Vợ NSƯT Bùi Cường không theo nghệ thuật, nhưng bà Kim Mùi-vợ ông là một người may áo dài có “thương hiệu” nổi tiếng ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. NSƯT Bùi Cường luôn dành cho vợ những lời nói trìu mến, rằng ông được như ngày hôm nay cũng nhờ có vợ. Tên tuổi của Bùi Cường nổi danh từ “Chí Phèo” trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, vai diễn giành Bông sen Vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6, năm 1983; rồi nối tiếp đó là Tiểu đội trưởng Quang trong “Không có đường chân trời”, Năm Hòa trong “Biệt động Sài Gòn”…

 NSƯT Bùi Cường bên gia đình khi còn sống.

Nhưng để có diễn viên Bùi Cường góp mặt trong đội ngũ của điện ảnh cách mạng Việt Nam, phải để đến công lao của người vợ yêu quý. Bởi đích thân bà Kim Mùi đã mang hồ sơ của Bùi Cường đi nộp thi vào khoa diễn viên của Trường Sân khấu, Điện ảnh cuối năm 1973 (nay là Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội), lúc đó hai người đang yêu nhau. Đợi khi Bùi Cường tốt nghiệp sau 3 năm học, hai người mới nên vợ nên chồng. Để ủng hộ sự nghiệp nghệ thuật của chồng, Kim Mùi đã phải bỏ học ngành Y, về nhà mở cửa hàng bán cà phê, sau này là cửa hàng may áo dài, lo toan chuyện kinh tế gia đình và chăm sóc con cái. Những ngày Bùi Cường biền biệt trên khắp các nẻo đường đóng phim, rồi những vai diễn của anh nổi tiếng ghi dấu trong lòng công chúng Kim Mùi cứ lặng thầm đứng phía sau Bùi Cường.

Sau khi nổi danh với những vai diễn nằm lòng công chúng, nghệ sĩ Bùi Cường lại phát triển lên vai trò mới: Đạo diễn. Những bộ phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, “Người đàn bà không con”,…đều giành những giải thưởng cao của điện ảnh nước nhà trong nhiều năm trước.

Năm vừa qua, NSƯT Bùi Cường đã thực hiện xong bộ phim truyền hình “Ý chí độc lập” kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp tục triển khai công tác sản xuất bộ phim “Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc”, một bộ phim mà như lời của Bùi Cường, ông muốn trả nghĩa với nhà văn liệt sĩ Nam Cao-người đã viết nên tác phẩm văn học nổi tiếng và tạo dựng hình tượng Chí Phèo-nhân vật cho Bùi Cường tên tuổi, sự nghiệp. Bộ phim dự kiến tháng 9 tới sẽ bấm máy...

Vậy nhưng, giấc mơ “trả nghĩa” của Bùi Cường với nhà văn Nam Cao dang dở. Và cũng có lẽ, ông ra đi bỏ lại cơ hội bước lên bục nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, danh hiệu mà hiện trong thời gian này đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ trình cấp Nhà nước xem xét, trong đó có tên Bùi Cường ở lĩnh vực điện ảnh.

Hơn 40 năm cống hiến, giữ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với phim ảnh, Bùi Cường luôn giữ hình ảnh mẫu mực, trách nhiệm của một người nghệ sĩ cách mạng, bởi trong ông lúc nào trào dâng niềm tự hào khi có bố là liệt sĩ cảm tử quân bảo vệ thành Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

VƯƠNG HÀ/QĐND