Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 27/8/2013 10:20'(GMT+7)

Hỗ trợ lao động di cư: Không dừng ở "chữa cháy"

(Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đây là những kết quả của dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố sáng ngày 26/8.

Từ những kết quả của dự án, các chuyên gia, đại biểu từ các địa phương đã đưa ra những góp ý để việc hoạch định chính sách hỗ trợ nhóm lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp có tính khả thi cao và sát với nhu cầu thực tế.

Thiếu nhà ở vẫn “nóng”

Theo kết quả nghiên cứu của dự án, vấn đề thiếu nhà ở vẫn là nỗi khó khăn lớn nhất đối với lao động di cư, có tới 86,3% lao động di cư phải thuê nhà ở và chỉ có 2,9% đã mua được nhà.

Tiền thuê nhà, điện nước sinh hoạt chiếm tới 23% thu nhập của người lao động. Đặc biệt, hơn 85% lao động di cư phải trả tiền điện, nước sinh hoạt theo giá của chủ nhà và cao gấp 2-3 lần giá theo quy định. Mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất đối với lao động di cư là tìm nhà ở/thuê giá rẻ.

Chính vì những khó khăn về nhà ở, tích lũy hạn chế khiến đại đa số lao động di cư không có định hướng lâu dài cho công việc của họ, gần 60% lao động di cư không biết dự định sẽ sinh sống ở địa phương nơi làm việc trong bao lâu và chỉ có  7,5% lao động quyết định sẽ định cư hẳn.

Theo ông Đặng Đình Long, Giám đốc Trung tâm Phát triển Xã hội và Môi trường Vùng (CERSED) thì ở các khu công nghiệp, khó khăn lớn nhất mà lao động di cư gặp phải là nhà ở.

“Kết quả nghiên cứu đã đặt ra một yêu cầu mới trong hoạch định chính sách, đó là có tới 47% số lao động di cư đã kết hôn; trong đó 31,8% lao động di cư sống với vợ, chồng và 14,5% sống với con cái, vì vậy, họ sẽ muốn ở lại ổn định hơn và là đối tượng cần được chú ý để xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở tốt hơn,” ông Đặng Đình Long nói.

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng nhà ở đang là nhu cầu cấp thiết nhất đối với lao động di cư. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Dân cũng nhấn mạnh: “Thực tế có rất nhiều lao động không muốn ở các khu nhà giá rẻ dành cho công nhân mà muốn thuê nhà bên ngoài ở vì họ có con nhỏ, không muốn bị quản lý theo quy chế do công ty đặt ra.”

Bà Nguyễn Thị Dân cho rằng, đối lượng lao động di cư hiện nay đa số là lao động trẻ với nhu cầu kết hôn, sinh con nên mong muốn về nhà ở ổn định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, trong quá trình quy hoạch cũng cần nghiên cứu rõ mong muốn, yêu cầu thực tế của lao động di cư để xây dựng các khu nhà ở sao cho phù hợp và có tính bền vững, lâu dài.

Không hỗ trợ kiểu “chữa cháy”

Kết quả nghiên cứu cho thấy rất ít lao động nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước để khắc phục khó khăn khi di cư. Có tới 67,1% người lao động tự khắc phục khó khăn; 18,5% nhờ bạn bè, đồng hương giúp đỡ và 15,7% nhờ họ hàng.

Hiện nay, việc hoạch định chính sách dành cho lao động di cư của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn chỉ dừng ở mức hỗ trợ lao động sau khi di cư. Các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng một chu trình hỗ trợ khép kín từ khi lao động chuẩn bị di cư khỏi địa phương đến khi tìm được việc và ổn định cuộc sống.

Theo ông Đặng Đình Long, “ngành lao động không thể chỉ đi ‘chữa cháy’ mà phải được tham gia vào từ việc quy hoạch các khu công nghiệp đến hoạch định chính sách phát triển dài hạn của địa phương để kịp thời xây dựng những chính sách cho lao động trước và sau khi di cư.”

Bà Nguyễn Thị Dân thì nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là làm sao để lao động di cư có tổ chức, không để tình trạng cả nơi lao động đến và đi đều không được hỗ trợ. Hiện nay, các trung tâm giới thiệu việc làm chưa thống kê được chính xác số lượng lao động di cư và nhập cư nên việc bảo vệ nhóm lao động này khi có rủi ro là rất khó khăn.”

Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Dân, ông Lê Quang Trung-Cục phó Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng cần phải nâng cao vai trò của các Trung tâm giới thiệu việc làm trong việc quản lý lao động. Bên cạnh đó, các trung tâm không chỉ cung cấp thông tin về thị trường lao động mà còn cần thông tin về đời sống xã hội nơi lao động sẽ di cư đến để họ chuẩn bị cho một cuộc sống mới.

Đối với vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ lao động di cư, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương cho rằng cần phải thay đổi việc phân bổ ngân sách địa phương tính theo hộ khẩu, dân số địa phương đối với những nơi có nhiều lao động di cư tới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, ngân sách đầu tư cở sở vật chất, dịch vụ xã hội các tỉnh thường chỉ đảm bảo phục vụ dân số địa phương chứ chưa tính đến cả những nhu cầu của lao động di cư nên những nơi có nhiều khu công nghiệp thường hay bị quá tải về nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục. Vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý đặc thù cho những địa phương tiếp nhập số lượng lớn lao động di cư tới để có thể có thêm nguồn đầu tư phục vụ cả lao động di cư.

Các chuyên gia nhận định, những kết quả nghiên cứu của dự án là tư liệu quan trọng để những người xây dựng chính sách sao cho đi vào thực tế và có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương./.

Dự án "Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO" do Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO (B-WTO) hỗ trợ và Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố có nhiều lao dộng di cư đến.

Dư án được thực hiện từ tháng 4/2012 đến tháng 8/2013, với tổng kinh phí hơn 320.000 USD. Dự án sẽ cung cấp những nghiên cứu, đánh giá, đề xuất hoàn thiện các chính sách để quản lý và hỗ trợ cho lao động di cư, đặc biệt là lao động nông thôn di cư./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất