(TG) - Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các địa phương đã tập trung nhân lực, trang thiết bị, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Tranh thủ thời tiết khô ráo, các đơn vị thi công các công trình hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía bắc tổ chức làm việc ba ca liên tục để đưa công trình về đích đúng hạn. Nhịp độ thi công hối hả hơn để bù lại quãng thời gian trước đó bị ảnh hưởng của dịch bệnh và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Những ngày cuối tháng 10, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sôi nổi thực hiện đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm hoàn thành ba công trình động lực”, quyết tâm hoàn thành dự án cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và cầu Cửa Lục 1 vào cuối năm nay. Ðây là ba dự án có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Bước vào giai đoạn thi đua nước rút, dự án cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái nằm trong hệ thống tuyến đường cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh đang huy động hơn 2.000 cán bộ, công nhân, tăng tốc thi công đồng loạt các hạng mục. Trong đó, đoạn Tiên Yên - Móng Cái dài 63 km với 11 gói thầu đường và chín gói thầu cầu đều được triển khai đồng loạt. Các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Ðoạn cao tốc Vân Ðồn - Tiên Yên dài 16,8 km, các nhà thầu đang huy động nhân lực, thiết bị tăng hơn hai lần so với dự thầu ban đầu, tổ chức nhiều kíp thi công trong ba ca, bám sát tổng tiến độ của dự án. Chỉ huy trưởng công trường Công ty Cầu 75 Ðỗ Ðức Bình chia sẻ, Quảng Ninh giữ vững địa bàn an toàn đã tạo động lực cho đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, chia làm nhiều mũi, phối hợp với nhà thầu xây dựng kế hoạch chi tiết từng ngày để triển khai thi công, quyết tâm hoàn thành dự án đúng thời gian.
Ðến thời điểm này, dự án cầu Cửa Lục 1 đang được các nhà thầu tập trung tổng lực thi công với khí thế cao nhất. Ðến nay, tại hạng mục cầu chính thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê-tông với sáu làn xe cơ giới, rộng 33,1 m, dài 290 m đã hoàn thành đổ bê-tông các đốt chính và mặt cầu. Các vòm thép khẩu độ 90 m và 60 m cũng đã hoàn thành lắp đặt và sơn. Riêng hai vòm thép ngoài cùng khẩu độ 40 m đã thi công xong bốn đốt, sẽ hoàn thành trong tháng 10/2021. Phó Giám đốc Ban Ðiều hành dự án Nguyễn Ðức Phương cho biết, nhà thầu đã xây dựng tiến độ cụ thể, chi tiết cho từng hạng mục, lập biểu đồ tiến độ thực tế tại công trường, duy trì chế độ báo cáo theo ngày, bố trí giám sát trực tiếp tại hiện trường để kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Công trình cầu Cửa Lục 1 hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy, bảo đảm chiến lược phát triển mới của TP Hạ Long theo mô hình đa cực, trong đó vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Công trình trọng điểm thứ ba của tỉnh Quảng Ninh đang được gấp rút hoàn thành vào cuối năm 2021 là dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có chiều dài 18,7 km, quy mô sáu làn xe. Ðến nay, việc thi công hạng mục khó khăn nhất là đường hầm xuyên núi dài 235 m, đã cơ bản hoàn thành.
Trên công trường xây dựng cầu Rào - một công trình trọng điểm của TP Hải Phòng, không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương. Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng Ðinh Phú Hiếu cho hay, dự án cầu Rào có vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ gia tăng việc kết nối trung tâm Hải Phòng với nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Do vậy, Ban quản lý tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Trên công trường, hình dáng chiếc cầu vòm thép hiện đại qua sông Lạch Tray đang dần hiện hữu. Hiện, nhà thầu đã hoàn thành thi công 27 trong tổng số 28 trụ, mố; đúc 14 phân đoạn dầm, sáu phân đoạn còn lại đang triển khai... Liên danh nhà thầu đang tập trung hơn 300 công nhân và phương tiện, thi công không kể ngày đêm, phấn đấu thông xe kỹ thuật công trình cầu vào trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, các dự án xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm cũng đang được các đơn vị chạy đua với thời gian. Có mặt trên công trường thi công cầu cạn Móng Sến (tỉnh Lào Cai) - cây cầu cạn cao nhất Việt Nam hiện nay, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc miệt mài của các kỹ sư, công nhân nhằm sớm hoàn công cây cầu, đưa tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Khu du lịch quốc gia Sa Pa vào hoạt động. Ông Hoàng Giang, Giám đốc Công ty cổ phần cầu 3 cho biết, ngay sau khi hợp long cây cầu vào ngày 29/9/2021, đơn vị tập trung toàn bộ nhân lực hơn 100 người, máy móc, thiết bị để thi công căng kéo cáp ngoài dự ứng lực, hoàn thiện mặt cầu, lan-can cầu và hệ thống chiếu sáng, phấn đấu hoàn thành toàn bộ cây cầu trong năm nay.
Cầu Móng Sến là hạng mục thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, là cầu cạn vượt địa hình có chiều dài hơn 600 m, nối từ khu vực chân dốc lên đỉnh dốc ba tầng, một trong những đoạn đường khó đi, quanh co, nguy hiểm nhất trong cung đường đi từ TP Lào Cai lên thị xã Sa Pa. Toàn bộ dự án tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa có vốn đầu tư 2.510 tỷ đồng, gồm năm gói thầu. Ðến hết tháng 9/2021, giá trị khối lượng thi công xây lắp đạt khoảng 65%. Từ nay đến cuối năm 2021, các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để thi công khối lượng công việc còn lại, phấn đấu đưa dự án vào khai thác vào đầu quý I/2022.
Tại dự án xây dựng hạ tầng tái định cư phục vụ dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên, Chỉ huy trưởng công trường thi công điểm tái định cư số 1 Nguyễn Văn Sự cho biết, để bảo đảm tiến độ cam kết chủ đầu tư, đơn vị bố trí công nhân làm việc ba ca/ngày; 100% công nhân làm việc, ăn, ngủ tại công trường; trước mỗi ca làm việc công nhân đều được kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang... Nhờ đó, các nhà thầu thi công bốn dự án tái định cư mở rộng sân bay Ðiện Biên đều đáp ứng tiến độ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên, đến ngày 13/10 chủ đầu tư đã hoàn thành thu hồi đất của hơn 1.300 hộ dân và 21 tổ chức, với diện tích hơn 169 ha, đạt 100% kế hoạch. Các điểm tái định cư số 1, tái định cư số 3 và số 3 mở rộng đã hoàn thành.
Một số tỉnh Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, sau khi cơ bản kiểm soát tình hình dịch Covid-19, đã tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn hoạt động trở lại.
Tại tỉnh Bình Thuận, hai dự án giao thông trọng điểm được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh là: Dự án làm mới đường trục ven biển ÐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và Dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Hai dự án này sẽ kết nối các khu du lịch ven biển phía nam của tỉnh Bình Thuận, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, đồng thời làm nhiệm vụ tuyến tránh cho quốc lộ 1 khi xảy ra ách tắc giao thông và bảo đảm yêu cầu về an ninh - quốc phòng. Dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện có tổng chiều dài khoảng 32,5 km với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng. Ðến nay, sau 11 tháng thi công, nhà thầu đã đào đắp nền đường mở rộng, làm móng, hoàn thiện cấp phối đá dăm loại I lớp trên được hơn 20,7 km, thảm bê-tông nhựa được 18,2 km. Hiện nay, trong trạng thái “bình thường mới”, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ và đã thảm bê-tông nhựa chặt 12.5 (lớp trên) được 1.000 m đoạn qua xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
Dự án làm mới đường trục ven biển ÐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà có chiều dài khoảng 25,6 km, chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, có dải phân cách giữa 11 m, tổng mức đầu tư hơn 999 tỷ đồng. Ðây là dự án xây dựng mới, công tác giải phóng mặt bằng lớn, tổng diện tích đất phải thu hồi là 146,4 ha. Ðến nay, các đơn vị đã vận động được một số hộ bàn giao mặt bằng khoảng 14,38 km, đạt gần 56,2% chiều dài toàn tuyến. Ðể bảo đảm tiến độ, nhà thầu thực hiện phương án có mặt bằng đến đâu, tổ chức thi công đến đó. Kỹ sư Nguyễn Xuân Viên, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công tuyến đường cho biết, sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, đơn vị đã huy động hơn 270 cán bộ kỹ thuật, công nhân cùng hơn 100 phương tiện, thiết bị, máy móc chia làm năm mũi thi công trên toàn tuyến với chiều dài 25,6 km. Dự kiến, đến giữa tháng 4/2023, Dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện sẽ hoàn thành; còn Dự án làm mới đường trục ven biển ÐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, dự kiến đến cuối tháng 1/2024 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, nhà thầu cam kết hoàn thành công trình vào tháng 6/2023, rút ngắn tám tháng so với hợp đồng.
Tại tỉnh Hậu Giang, sau khi được phê duyệt phương án thi công, kèm theo biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, hàng trăm công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã tái khởi động với khí thế sôi nổi. Tại công trình đường tỉnh 931, đoạn từ quốc lộ 61C (thành phố Vị Thanh) qua thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ có chiều dài hơn 10 km, không khí thi công nhộn nhịp trở lại sau hơn hai tháng tạm ngừng. Theo đại diện đơn vị giám sát gói thầu số 1 và số 2, mặc dù việc huy động nguồn nhân lực, thiết bị, vật liệu, nhân công chưa bảo đảm 100% công suất, nhưng các đơn vị thi công cam kết, quyết tâm đến ngày 30/11 tới sẽ hoàn thành công trình, bàn giao cho chủ đầu tư. Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang Nguyễn Trung Hậu cho biết: Ðến nay, khối lượng thi công công trình đường tỉnh 931 đạt hơn 80%; phấn đấu đến tháng 11 giải ngân 100% vốn và dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2021./.
N. Dân