Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 16/12/2011 15:57'(GMT+7)

Cần định hình và phát triển ngành âm nhạc dân tộc

 Nhiều tham luận tại hội thảo cho rằng, với một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, chúng ta vẫn chưa khai thác hết các giá trị nghệ thuật và văn hoá trong kho tàng di sản âm nhạc truyền thống của 54 dân tộc anh em; chưa khảo cứu được đầy đủ những biến đổi của quá trình phát triển âm nhạc dân tộc; nhất là trong điều kiện hiện nay trào lưu nghệ thuật hiện đại đang xâm nhập vào Việt Nam qua nhiều con đường.

Đơn cử như quan họ và hát xoan đã gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hoá tinh thần của một bộ phận cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, sự tồn tại đến ngày nay của hai hình thức này đã phải trải qua nhiều chặng đường gập gềnh của lịch sử dân tộc nên đã có những biến đổi khác nhau. Trong đó, quan họ đã xa rời chức năng tín ngưỡng của nó và chỉ giữ lại tính giao duyên. Còn hát xoan vẫn gắn với sinh hoạt nghi lễ và trong một chừng mực nào đó đã bị mai một dần... Điều này cho thấy, trong thời kỳ hội nhập, việc định hình và phát triển ngành âm nhạc dân tộc học là cấp thiết. Chỉ phát triển ngành âm nhạc dân tộc mới có thể bảo tồn và phát huy được các giá trị di sản âm nhạc của dân tộc một cách hoàn chỉnh, quy mô và khoa học. Đồng thời, đào tạo được đội ngũ có kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu về dân ca, dân nhạc của 54 dân tộc ở Việt Nam.

Phó Giáo sư Nguyễn Thuỵ Loan (Hà Nội) cho rằng, âm nhạc dân tộc cần có một chuyên ngành đào tạo chứ không phải là một môn học. Thậm chí, để có được kỹ năng thực hành cơ bản, âm nhạc dân tộc cũng cần phải có những cấp học từ thấp tới cao. Nếu chỉ dừng ở một môn học như hiện nay thì nó chỉ có giá trị bổ trợ kiến thức chung. Do đó, khó có thể đào tạo được những người có đủ kỹ năng để thực hiện tốt những nghiên cứu âm nhạc dân tộc thực sự.


Để phát triển ngành âm nhạc dân tộc học cũng cần thành lập thêm các cơ sở nghiên cứu âm nhạc trọng điểm của từng khu vực. Các cơ sở này sẽ đảm nhiệm công tác thu thập và chỉnh lí tư liệu âm nhạc dân gian, âm nhạc truyền thống đặc trưng của khu vực mình. Cần có bộ phận chuyên trách biên soạn, phiên dịch âm nhạc dân tộc ra tiếng nước ngoài, phân loại và biên tập thành sách một cách hoàn chỉnh. Đây là nguồn tư liệu quan trọng vừa phục vụ giảng dạy vừa là cơ sở khoa học góp phần bảo tồn và truyền bá các tinh hoa văn hoá âm nhạc của nước ta./.


Nguyên Lý

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất