Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 13/12/2011 21:28'(GMT+7)

Việt Trì sẽ là thành phố Lễ hội về với cội nguồn

Lễ hội đền Hùng. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Lễ hội đền Hùng. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Theo các nhà nghiên cứu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) là đất phát tích, là kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, có lịch sử gắn liền với sự hình thành nhà nước Văn Lang-  cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Việt Trì đã trở thành điểm đến của đông đảo kiều bào trong và ngoài nước hành hương về cội nguồn dân tộc.

Thành phố có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền thời đại các vua Hùng và công cuộc giữ gìn, bảo vệ và xây dựng đất nước. Hàng năm nhân dân trong thành phố đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội Đền Hùng đã trở thành Quốc lễ.

Tuy có giá trị to lớn về phát triển du lịch văn hoá lịch sử truyền thống và tâm linh nhưng thành phố mới chỉ có lễ hội Đền Hùng là có quy mô lớn trong năm, thu hút nhiều người tham gia song cũng chỉ diễn ra trong khu vực Đền Hùng trong thời gian rất ngắn.

Bên cạnh đó nội dung lễ hội cũng chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của du khách, đặc biệt là việc nghiên cứu tìm hiểu cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Để thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội, đồng thời xây dựng Việt Trì trở thành thành phố đẹp có bản sắc riêng, độc đáo, tỉnh Phú Thọ đã quy hoạch dành trên 1.000ha xây dựng Khu di tích văn hoá lịch sử Đền Hùng, trong đó dành 32ha cho các công trình Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng, Lăng Vua Hùng, Chùa Hạ, Bảo Tháp, Gác chuông, Nhà thờ Tổ, Cột Đá Thề, hệ thống đường bậc, đường hành hương và rừng nguyên sinh;

Tỉnh dành 998ha xây dựng vùng cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội, gồm Quảng trường Trung tâm, trục hành lễ, các tượng đài, phù điêu, nhà triển lãm chuyên đề là nhà Bảo tàng Hùng Vương (hiện tại), khu nhà Ban quản lý, tiếp đón, khu ngã năm Đền Giếng, khu ngã ba Hy Cương, hồ Lạc Long Quân và các công trình văn hóa công cộng khác...

Tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng trung tâm lễ hội các khu vực như Khu Bến Gót-Bạch Hạc, Đàm Mai, Minh Phương, Thanh Đình, Phương Lâu hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí phục vụ cư dân thành phố và tổ chức phục vụ các lễ hội truyền thống... ; đồng thời khôi phục và phát triển các trung tâm lễ hội tại phường xã thu hút khách du lịch tới đây tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa bản địa như xem hát Xoan ghẹo của An Thái, Kim Đức, hát Nhà Tơ ở Tam Giang, Bạch Hạc.

Các điểm tham quan, lễ bái như Đền Hùng, Thanh Đình, Hùng Lô-Kim Đức, Thậm Thình... cùng các di tích lịch sử đền chùa, miếu mạo, các di chỉ khảo cổ, danh thắng trong thành phố cũng được tu bổ, tôn tạo, xây dựng đẹp để phục vụ du khách trong các kỳ lễ hội cũng như ngày thường.

Các khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như Công viên Văn Lang và Bảo Đà, Hội chợ Hùng Vương, các trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, chợ phường xã và các phố ẩm thực, Trung tâm hội nghị, nhà hát lớn nhanh chóng được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng phục vụ lễ hội.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh sẽ mở tuyến du lịch đi các tỉnh, thành Lào Cai-Yên Bái-Hà Giang-Tuyên Quang-Côn Minh (Trung Quốc)-Phú Thọ-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh... bằng đường sắt, đường bộ và đường sông phục vụ du khách.

Tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố theo quy hoạch; thu hút các chuyên gia giỏi, lao động có tay nghề cao từ bên ngoài làm việc tại Việt Trì; tăng cường hợp tác quảng bá hình ảnh lễ hội trong nước và quốc tế.../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất