(TG) - Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ta cần tập trung thực hiện đổi mới vấn đề đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ I đã sử dụng năng lượng hơi nước và nước để làm cơ khí hoá cho sản xuất. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ II đã sử dụng năng lực điện để tạo ra sản xuất trong một quy mô lớn. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ III sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin để làm tự động hóa cho sản xuất. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV đang diễn ra hiện nay được xây dựng dựa trên Cách mạng Công nghiệp lần thứ III, đó là một cuộc cách mạng kỹ thuật số đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Đặc trưng cuả nó là một sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xoá nhoà ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Giống như các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ I, II và III, Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV có tiềm năng nâng cao các mức thu trên nhập trên toàn cầu và cải thiện phẩm chất cuộc sống cho dân chúng trong toàn thế giới. Cho đến ngày nay, những người đã thu lượm được phần lớn thành quả của cuộc cách mạng này là những người tiêu dùng mà họ có thể đủ khả năng trang bị và truy cập trong thế giới kỹ thuật số; công nghệ đã taọ điểu kiện làm các sản phẩm và dịch vụ mới có thể tăng hiệu quả và niềm vui trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Gọi một chiếc taxi, đặt vé cho một chuyến bay, mua một sản phẩm, thực hiện việc thanh toán, nghe nhạc, xem một bộ phim hoặc chơi một trò chơi, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện việc này từ xa qua mạng.
Theo các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cách mạng có thể đồng thời mang lại sự bất bình đẳng trầm trọng hơn, đặc biệt là có tiềm năng tác hại cho các thị trường lao động. Khi máy móc tự động hóa thay thế cho lao động trên toàn bộ nền kinh tế, thay thế con người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa doanh thu của vốn tư bản và thu nhập cuả giới lao động. Mặt khác, sự thay đổi công nhân lao động bằng công nghệ sẽ có kết quả làm gia tăng các công việc với sự an toàn và mức lương hậu hỷ, đó cũng là việc có thể xảy ra.
Sự lan toả của công nghệ kỹ thuật số và các động lực của việc chia sẻ thông tin cũng làm gia tăng cảm tưởng bất hạnh, mà tiêu biểu là qua các phương tiện truyền thông xã hội. Hiện nay, hơn 30% dân số thế giới sử dụng các nền tảng của phương tiện truyền thông xã hội để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Trong một thế giới lý tưởng, những tương tác này sẽ cung cấp một cơ hội cho sự thông cảm đa văn hóa và kết nối. Tuy nhiên, họ cũng có thể tạo ra và tuyên truyền những kỳ vọng không thực tế như những gì tạo nên sự thành công cho một cá nhân hoặc một phe nhóm, cũng như nó tạo nhiều cơ hội làm cho những ý tưởng cực đoan và các hệ tư tưởng lan toả.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 9 năm 2015 đã xác định 21 sản phẩm công nghệ sẽ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối. Đó là những sản phẩm mà mọi người kì vọng sẽ xuất hiện trong 10 năm bắt nguồn từ những thay đổi sâu sắc của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ IV. Các sản phẩm này được xác định thông qua một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hội đồng nghị sự toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó có hơn 800 giám đốc điều hành và chuyên gia từ các lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông tham gia(1).
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu Việt Nam chúng ta cần phải có chiến lược phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao với 5 nội dung cho phù hợp với yêu cầu của thế giới(2). Trong cuộc cách mạng thứ tư, chúng ta sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người. Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra.
Trước bối cảnh trên, để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ta cần tập trung thực hiện đổi mới một số vấn đề đào tạo và nghiên cứu khoa học sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục củng cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới đã khẳng định giáo dục có vai trò then chốt đối với phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó có cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải chuyển từ biệt lập, tự phát nặng về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn thách thức.
Thứ hai, nâng cao vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương tác với thị trường, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu và qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách. Sử dụng cơ chế thị trường để đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng. Có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục về công nghệ, trước mắt ưu tiên đối với các lĩnh vực nước ta có thế mạnh, như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học. Các vườn ươm này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi đầu của các ý tưởng, sáng tạo, đưa kết quả của các công trình nghiên cứu vào sử dụng,...
Thứ ba, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp, được tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo; liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư. Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi để sinh viên thực hành mà còn là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức cao. Tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể mà lựa chọn nội dung và hình thức liên kết phù hợp. Về nội dung hợp tác liên kết nghiên cứu phát triển dưới dạng hợp đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo. Doanh nghiệp với tư cách là khách hàng thường xuyên của các trường đại học. Hợp tác nghiên cứu sẽ mang lại cho các cơ sở giáo dục nguồn kinh phí đáng kể để tăng thêm tiềm lực khoa học - công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo.
Thí điểm thành lập hội đồng ngành trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống
Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, để sự liên kết này thành công, cần sự tác động từ 3 phía. Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, tạo khung pháp lý cho mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với sản xuất - kinh doanh, trong đó cần quan tâm đến chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, tạo động lực cho việc liên kết bền vững. Khuyến khích phát triển thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ, ngoài khoa học cơ bản, cần trao quyền tự chủ đối với các lĩnh vực khoa học ứng dụng cho nhà trường, các viện nghiên cứu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động đề xuất nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, lựa chọn các đề tài, dự toán kinh phí, chọn cử cán bộ có năng lực tham gia. Các cơ sở giáo dục cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn về nghề nghiệp. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục, nhà giáo và các cơ quan có liên quan; chủ động cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin cho xã hội./.
--------------------------------
(1) Sau đây là 21 sản phẩm được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần: 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo);1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ; 10% mắt kính kết nối với internet; 80% người dân hiện diện số trên internet; Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn; Chiếc điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa; 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D; 90% dân số dùng điện thoại thông minh; 90% dân số thường xuyên truy cập internet; 10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái; Cấy ghép đầu tiên gan làm bằng công nghệ in 3D; 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo; Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua một blockchain; Hơn 50% lượng truy cập internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng; Trên toàn cầu những chuyến đi du lịch hay công tác thực hiện qua các phương tiện chia sẻ nhiều so với các phương tiện cá nhân; Thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông; 10% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu được lưu trữ trên blockchain; Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty (Blockchain được mô tả như là một “đầu mối phân phối”, là một giao thức an toàn trong đó một mạng các máy tính cùng nhau xác thực một giao dịch trước khi được lưu trữ và chấp thuận).
(2) Hợp tác mạnh mẽ giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân; Triển khai ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi các công nghệ mới; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ; Ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích khoa học công nghệ xuất sắc; Tích hợp công nghệ thông tin; Khoa học phân tích và quản lý dữ liệu; Ứng dụng trên mây; Hiệu quả hoạt động; Tổ chức học hỏi; Tối ưu hóa mô hình kinh doanh; Chuỗi cung ứng thông minh; Hậu cần thông minh; Quản lý an ninh mạng; Mô hình thuế mới; Hệ thông quản lý sở hữu trí tuệ mới.
TS. Mai Hữu Tỉnh