Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 30/3/2016 8:51'(GMT+7)

Cần đổi mới hoạt động thảo luận của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới

Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đánh giá cao phát biểu của các đại biểu Quốc hội 

Theo cử tri Lê Đức Tùng (Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa), phiên thảo luận tại Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, hoạt động này cần tiếp tục được đổi mới và phát huy trong nhiệm kỳ tới. Đánh giá về chất lượng phiên thảo luận, ông Tùng cho rằng, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, có chất lượng, hiệu quả, tính phản biện cao, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến của mình. Các vị đại biểu tham gia tích cực, ý kiến phong phú, thẳng thắn, không né tránh những vấn đề thời sự mà cử tri bức xúc, quan tâm… 

Cử tri Trần Phú Cường (Chủ tịch Hội Khuyến học phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cũng cho rằng: 26 ý kiến đại biểu phát biểu trên diễn đàn Quốc hội sáng nay rất thẳng thắn, đầy trách nhiệm trước cư tri cả nước. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu với tinh thần sôi nổi, nội dung rất phong phú tập trung toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, ngoại giao, an ninh - quốc phòng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các vấn đề bức xúc có liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, hạn hán và mặn xâm nhập… 

Ông Trần Phú Cường cũng tán thành với những ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đã nhận xét, đánh giá và đóng góp quan trọng về dự thảo báo cáo hoạt động trong suốt nhiệm kỳ qua đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao. Các đồng chí đứng đầu cơ quan Nhà nước đã phát huy tốt trọng trách, thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của mình đối với đất nước và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội chưa đề xuất được nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong hoạt động nhiệm kỳ qua của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Toà án Nhân dân tối cao. 

Quan tâm đến lĩnh vực cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án, cử tri Trần Hữu Long (Phó chủ tịch UBND phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhận thấy, nhiều ý kiến đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về báo cáo kết quả nhiệm kỳ hoạt động của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Trong nhiệm kỳ qua, cơ quan Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành pháp. 

Ông Long đồng tình rất cao với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những trăn trở cũng như quan tâm sâu sắc vấn đề cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác xét xử nhằm giảm thấp nhất các vụ án oan sai và một số vụ án oan sai cũng được xét xử lại để giải oan cho người dân; nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân được cơ quan chức năng thụ lý và giải quyết kịp thời. "Tôi cũng tán thành với ý kiến đóng góp của biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát các cấp phải có sự phối hợp nhưng phải đảm bảo tính độc lập trong xét xử án, quan tâm đến các vụ án mới phát sinh như tín dụng đen, bán hàng đa cấp…; cải tiến việc thu án phí để giảm gánh nặng chi phí cho người dân. Các cơ quan hành pháp phải tuân thủ thực hiện đúng Hiến pháp 2013, đặc biệt chú trọng đến quyền con người; phải biết lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, nhằm hạn chế oan sai", cử tri Trần Hữu Long nêu quan điểm. 

Nhận xét chất lượng ý kiến thảo luận, cử tri Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp thành phố Đà Nẵng) cho rằng, các đại biểu đã mạnh dạn, thẳng thắn nêu lên những suy nghĩ thật của mình. Ngoài việc ghi nhận những thành quả đất nước đạt được dưới sự điều hành đất nước của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, các đại biểu đã mạnh dạn nêu lên những bất cập, hạn chế và mong muốn Quốc hội khóa tới sẽ khắc phục. 

Cùng chung nhận xét về những phát biểu thẳng thắn và đầy trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cử tri Nguyễn Ngọc Minh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) mong muốn, những đại biểu Quốc hội khóa tới tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa, đặc biệt là trong các phiên chất vấn. 

Kỳ vọng đất nước phát triển bền vững 

Nhất trí với những nội dung được trình bày trong dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cử tri Lê Văn Hữu (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa) cho biết: các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và đầy đủ; thể hiện rõ những thành tựu công việc, đồng thời thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua. Các báo cáo đã đưa ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc cùng những kiến nghị, đề xuất cụ thể để nhiệm kỳ mới đổi mới nội dung công tác, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đánh giá về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội, cử tri Lê Văn Hữu cho rằng, báo cáo đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được trên các mặt: Thống nhất quản lý phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội; xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo; bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; chấp hành sự giám sát của Quốc hội và báo cáo trước nhân dân. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững; điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011-2015. Trên cơ sở nhận diện và phân tích những thành tựu cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo đã đúc kết 5 bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, báo cáo cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua. Đồng thời, cần làm rõ các giải pháp tích cực để tiếp tục phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Chính phủ để Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. 

Cử tri Lê Văn Hữu cũng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém; đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. 

Cử tri Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp thành phố Đà Nẵng) chia sẻ, theo dõi phiên thảo luận về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và phần phát biểu của các các đại biểu, tôi đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo đã nêu lên trọn vẹn những kết quả đất nước ta đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và quan trọng hơn cả là mạnh dạn nêu lên những mặt tồn tại và nhận trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay./. 

Tuấn Đạt (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất