Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 21/1/2009 23:23'(GMT+7)

Cần đổi mới tư duy thời hội nhập

Thu hoạch cà phê (Ảnh minh hoạ)

Thu hoạch cà phê (Ảnh minh hoạ)

Đến nay, hàng hoá nông sản Việt Nam đã có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, chất lượng ngày càng được cải thiện, đặc biệt một số mặt hàng đã đã tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn lớn trên thị trường như: Cà phê, hạt tiêu, điều, cao su... Bình quân mỗi năm các mặt hàng nông sản xuất khẩu đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước lên đến trên chục tỷ USD...

Tuy nhiên, xét trên tổng thể hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trên thị trưởng quốc tế, thì thực tế người tiêu dùng nước ngoài không mấy biết đến vì chưa có thương hiệu riêng, bao bì, nhãn mác chưa đẹp, chưa hấp dẫn. Đặc biệt chất lượng hàng xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có tiềm năng kinh tế cao vẫn chưa len lỏi được vào thị trường thế giới. Chất lượng hàng nông sản là tổng hợp của các yếu tố: chủng loại thực vật, điều kiện địa hình, khí hậu - thời tiết, cách chăm sóc, thu hái, bảo quản, chuẩn bị xuất khẩu và vận chuyển... Trong đó, các khâu canh tác, thu hái, bảo quản, chuẩn bị xuất khẩu và vận chuyển là con người có thể tác động, can thiệp, thay đổi. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của cuộc khủng hoảng hiện nay các yếu tố này góp phần nâng cao sự cạnh tranh, khẳng định vị thế trong tâm trí người tiêu dùng.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang có xu hướng lan rộng, tác động tiêu cực đến các ngành nghề là không thể tránh khỏi. Để đối phó với thách thức đặt ra với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã lên kịch bản để ứng phó, nhưng vẫn phải chấp nhận một thực tế là không thể tránh khỏi sụt giảm trong năm 2009 này. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đưa ra cảnh báo, khó khăn sẽ không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên thị trường nội địa. Vì vậy, hạy tạo sức mạnh ngay trên “sân nhà”...

Có thể nói, những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu “lộ diện” vào cuối tháng 8/2008. Cùng với đó, hầu hết các nước đều được mùa khiến giá nông, lâm, thuỷ sản giảm nhanh và ở mức quá thấp, tác động sâu sắc đến nông nghiệp. Nếu tháng 7/2008, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục 1,75 tỷ USD, sang tháng 9 bắt đầu có dấu hiệu suy giảm và đến tháng 11/2008, con số này còn 1,2 tỷ USD, giảm gần 32%.

Các chuyên gia cho rằng, khủng hoảng tài chính tác động trực tiếp đến nhu cầu của người tiêu dùng và giới đầu cơ - vốn thao túng giá trên các thị trường kỳ hạn London, New York. Tác động dây chuyền của nó ảnh hưởng đến tâm lý chung khiến giá nông sản sụt giảm. Bên cạnh đó, việc cà phê tại Việt Nam, Brazil vào vụ thu hoạch cũng khiến cho các doanh nghiệp và người trồng chưa thể lạc quan ngay trong những phiên giao dịch tới. Với mặt hàng thủy sản, theo thông lệ, nhu cầu trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh vào tháng 11-12 để chuẩn bị cho dịp Noel và Tết Dương lịch. Song, như đã thấy, số lượng đơn hàng nhập khẩu vẫn sụt giảm kéo dài. Dự báo, sự ảm đạm của thị trường còn lan đến hết quý I/2009.

Riêng về lúa gạo, khủng hoảng tài chính không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu mặt hàng này. Từ tháng 8/2008, các thị trường chủ lực của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines... đã xoay sang nhập từ nguồn khác do trước đó chúng ta thắt chặt nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh lương thực và bản thân họ cũng hạn chế nhập khẩu. Các nước châu Phi thiếu gạo nhưng không có tiền để mua bởi quốc tế cắt giảm tài trợ. Thực trạng này cũng đã khiến cho lượng lúa gạo tồn lại trong dân nhiều, đặc biệt là từ tháng 10/2008, các tỉnh phía Nam lại thu hoạch lúa vụ 3, trong khi các công ty không có mối bán hoặc được chào mua với giá rất thấp.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... chính là nguyên nhân khiến sức cầu sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, rắc rối của hệ thống ngân hàng tại những thị trường lớn làm hạn chế khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Hiện hàng nông sản bắt đầu có dấu hiệu tồn đọng ở các hải cảng của Mỹ và một số nước do các đối tác không mở được LC. Chỉ tính riêng các mặt hàng Gỗ và Lâm sản trên hai thị trường Hoa Kỳ và EU, các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn tồn kho khoảng 30% số hàng nhập từ năm cuối 2007 cùng với một lượng lớn hàng nhập năm nay cũng đang ế ẩm. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đồng loạt rút vốn ra khỏi hoạt động đầu tư nông sản dẫn tới sự giảm cầu trên các thị trường kỳ hạn, làm giá nông sản giảm đột ngột. Việc nhiều quốc gia tăng trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cũng khiến nông sản mất giá, điển hình như cà phê giảm 32%, cao su giảm 50%... Hệ quả là việc làm và thu nhập của nông dân giảm theo.

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho rằng, ngoài khủng hoảng tài chính, nội tại ngành nông nghiệp Việt Nam cũng "có vấn đề"! Đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phi mã khi đạt tới gần 34%, trong khi thế giới chỉ tăng 14% trong giai đoạn 2004-2007. Mực dù, bước sang năm 2008 có dấu hiệu suy giảm nhưng tốc độ tăng của hàng nông sản Việt Nam vẫn đạt 21,4% trong khi tăng trưởng của thế giới là 13%. Cũng theo ông Sơn, bất lợi của ngành nông nghiệp hiện nay chính là tỷ giá hối đoái so với các nhà xuất khẩu nông nghiệp khác. Cùng với thiên tai, dịch bệnh, công tác chỉ đạo điều hành yếu kém, lãi suất cho vay vốn tăng cao, sự thiếu kết hợp giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống thu mua phân phối, lưu kho, tiếp thị chưa "ổn"... Những khó khăn này không mới, song, trong tình hình bất lợi hiện nay nó càng trở lên rõ rệt hơn bao giờ hết. Vì vậy, so với sự giảm sút của nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới thì sự yếu kém nội tại của nông nghiệp Việt Nam đáng chú ý hơn.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, Nguyễn Nam Hải - TGĐ Công ty CafeControl cho rằng: Vấn đề đặt ra đầu tiên trên các thị trường xuất khẩu là phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay đối với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam, đến nay mặc dù tình hình có được cải thiện hơn nhưng vẫn còn rất chậm. Theo ông Hải, biện pháp để nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, trước hết Tổng cục Đo lường chất lượng - Bộ KHCN cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ NN-PTNT, các Hiệp hội bổ sung, hoàn thiện Tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn riêng cho từng mặt hàng. Việc quản lý chất lượng đòi hỏi phải tổ chức kiểm tra và được thể hiện bằng những chính sách thiết thực. Khi sản xuất bền vững, chất lượng sẽ cao.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Thanh Sơn - TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ: Muốn nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản, thực phẩm, doanh nghiệp cần phải đầu tư thích đáng cho khâu xử lý sau thu hoạch, đóng gói, bao bì và chế biến. doanh nghiệp phải quảng bá rộng rãi thông tin về sản phẩm, đặc biệt phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu nông sản, thực phẩm Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm có thể bị cấm nhập khẩu vào EU, bị tiêu hủy hoặc trả lại hàng, thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ không nhỏ. Nhà nước, các cơ quan chức năng chuyên môn cần có những cơ chế và giải pháp thích hợp để trợ giúp cho doanh nghiệp và nông dân nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh và mở rộng thị trường quốc tế. Bởi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mang nhiều yếu tố xã hội như tạo việc làm và thu nhập cho nông dân... Bên cạnh đó, cần phải cải tiến chất lượng hàng nông sản xuất khẩu cần sự phối hợp, hỗ trợ để đổi mới công nghệ từ khâu sản xuất, thu hái, chế biến, bảo quản...

Thực tế, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu giá trị gia tăng thu được vẫn còn rất thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Điều này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà cả Nhà nước và các cơ quan chức năng, chuyên môn cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể nâng cao được uy tín và vị thế cho nông sản, thực phẩm Việt Nam trên thương trường thế giới.

Bên cạnh vấn đề nâng cao nội lực cạnh tranh của từng ngành hàng trên thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp, ngành hàng nông sản Việt Nam cần phải đầu tư nuôi dưỡng thị trường. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm qua đã được mở rộng đáng kể. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Nga, các nước Đông Âu, hàng hóa nông sản Việt Nam bước đầu đã thâm nhập vào những thị trường đầy tiềm năng và cũng rất khó tính như EU, Mỹ... Nếu chúng ta biết “nuôi dưỡng” thị trường truyền thống và “đột phá vùng đất mới” bằng việc khẳng định thương hiệu, thì xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ gặt hái được những thành công đáng kể.

Theo dự báo, trong những năm tới, các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều có khả năng tăng kim ngạch nhập khẩu. Theo đó, đối với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tăng từ 400 - 500 triệu USD/năm hiện nay lên 700 - 800 triệu USD/năm, gồm các mặt hàng chủ yếu là cao su, hạt điều, tinh bột sắn... Đối với thị trường Mỹ, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản của chúng ta mới chiếm khoảng 0,4 -0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm sản của nước này. Đây thực sự là một con số khiêm tốn so với tiềm năng hiện có của ngành nông sản Việt Nam cũng như nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ. Sỡ dĩ khả năng thâm nhập thị trường Mỹ của hàng nông sản Việt Nam còn hạn chế, chính là do năng lực cạnh tranh kém. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang các nước thuộc khối ASEAN vẫn luôn phập phù, dao động từ 400 - 900 triệu USD/năm với mặt hàng chủ yếu là gạo. Theo dự báo, Hiệp định AFTA sẽ tạo cơ hội để nước ta xuất khẩu cà phê, vật tư, thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến sang khu vực này.

Tuy nhiên, lạc quan để đánh giá, xét trên bình diện bền vững thì chính những thách thức đang đặt ra hiện nay là cơ hội cho ngành hàng nông sản Việt Nam đổi mới và khẳng định mình trong tương lai. Do đó, cần phải vận hành công việc của mình bằng tư duy của hội nhập./.

Quỳnh Sơn - Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất