Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ tín dụng ưu
đãi cho lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vậy, vẫn có không ít hộ dân chưa đủ
tiêu chuẩn để tiếp cận vốn ngân hàng. Do đó, việc hoàn hiện khung pháp
lý, để phát triển các tổ chức tài chính vi mô, sẽ giúp lấp đầy những
khoảng cách tiếp cận, giúp người dân nghèo có thêm nguồn lực tài chính
cho làm ăn.
Đa dạng hóa kênh tài chính
Đây là một nội dung được trao đổi tại
buổi tọa đàm về tài chính cho nông nghiệp, nông thôn được NHNN phối hợp
với Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam tổ chức ngày 20/3.
Nhìn nhận khách quan cho
thấy, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã được các cấp lãnh đạo
Chính phủ, NHNN đặc biệt coi trọng với nhiều chính sách, cơ chế ưu tiên
ưu đãi cho cả người đi vay và người cho vay.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đề
nghị một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các
ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), các dự án
sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch
với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường. Nhiều
ngân hàng đã ngay lập tức tung ra các gói tín dụng theo yêu cầu này,
tiêu biểu như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)
với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng phục vụ “nông nghiệp sạch”, Ngân hàng
TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với gói tín dụng 10.000 tỷ
đồng cho nông nghiệp công nghệ cao…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù có nhiều
“gói tín dụng”, nhưng người dân và DN có tiếp cận được những nguồn vốn
nêu trên hay không lại là chuyện khác. Bởi các ngân hàng đều phải tính
toán đến lợi nhuận nhất định. Trong khi đó, nông dân và các hộ kinh
doanh lĩnh vực này thường chịu nhiều rủi ro từ thiên tai thời tiết, đa
số có quy mô sản xuất nhỏ lẻ… Đặc biệt, việc đưa nguồn tài chính xuống
từng thôn bản vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là các món vay nhỏ lẻ, tốn kém
công sức, hiệu quả lợi nhuận không cao…
Do vậy, việc có nguồn lực tài chính phát
huy được hiệu quả và đi tới những vùng sâu, vùng xa, vai trò của các tổ
chức hoạt động tài chính vi mô là rất cần thiết. Thực tế cho thấy,
trong những năm qua, công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông
nghiệp, nông thôn được hiệu quả có phần đóng góp đáng khích lệ của hoạt
động tài chính vi mô, các tổ chức không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện
Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho biết, các tổ chức tài chính vi mô giúp
đưa tài chính xuống vùng sâu, vùng xa, xuống với người nghèo trong xã
hội, nên đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp,
nông thôn của Việt Nam.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, các tổ
chức này hoạt động hiệu quả còn góp phần phát triển năng lực, tạo việc
làm, kiến thức cho nông dân, DN, góp phần nâng cao bình đẳng giới trong
sản xuất, kinh doanh.
Cần có cơ chế rõ ràng để phát huy hiệu quả
Có thể thấy, các tổ chức này hoàn toàn
không hề mới với sự phát triển hơn 20 năm, nhưng đến nay, Việt Nam mới
có 5 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép, trong khi Việt Nam có tới
hơn 12.000 xã, khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân. Chưa kể, hoạt động
của các tổ chức này đang gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý.
Trong buổi tọa đàm về tài chính cho nông
nghiệp, nông thôn được NHNN phối hợp với Nhóm Công tác tài chính vi mô
Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp Malaysia đã
trình bày sáng kiến về hệ thống ngân hàng đại lý Agrobank cho khu vực
nông thôn. Nhờ điều kiện phát triển thông thoáng, hệ thống này đã giúp
các tổ chức tài chính tiếp cận được được thị trường và khách hàng chưa
từng được khai thác của ngành nông nghiệp khu vực nông thôn, với các
giải pháp toàn diện, dễ sử dụng và hiệu quả cao.
Tại Việt Nam, mạng lưới các tổ chức hoạt
động tài chính vi mô ít nhiều đã được triển khai hiệu quả. Bà Lê Thị
Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng
(CFRC) cho hay, hoạt động tài chính vi mô được triển khai ở đâu thì ở
đó, hình thức cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” giảm hẳn. Tuy nhiên, các
tổ chức này ở Việt Nam còn cố số lượng ít do không có nguồn vốn để thực
hiện, khung pháp lý chưa phù hợp, hầu hết các điều kiện pháp lý vẫn mang
dáng dấp quy định điều hành ngân hàng thương mại mà chưa có điều khoản,
nguyên tắc đặc thù dành cho các tổ chức tài chính vi mô.
Một số quy định như tỉ lệ thanh khoản
quá cao, chỉ phù hợp với ngân hàng thương mại. Trong khi tổ chức tài
chính vi mô, quay vòng tiền các khoản vay thường xuyên, các khoản vay
rất nhỏ, nhưng hầu như rất ít nợ xấu, nếu để tỷ lệ thanh khoản quá cao
sẽ gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn.
Bà Lê Thị Lân kiến nghị cần có chính
sách tạo nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tài
chính vi mô như: Tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, vay vốn từ các DN trong
nước…cũng như các chính sách về tiếp cận đất đai, hỗ trợ kỹ thuật…để các
tổ chức này phát triển thuận lợi hơn.
Theo các chuyên gia, Luật Tổ chức tín
dụng hiện hành quy định hoạt động của tổ chức tài chính thuộc tổ chức
chính trị xã hội, tổ chức phi Chính phủ, nhưng đến nay các quy định vẫn
đang trong giai đoạn sửa đổi bổ sung do chưa có cơ chế rõ ràng.
Đại diện NHNN, ông Phạm Xuân Hòe cho
rằng, Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt
động của các tổ chức tài chính vi mô. Một trong những giải pháp là cần
có chính sách tuyên truyền tốt hơn để thay đổi tư duy của các cấp, tạo
điều kiện quản lý và phát triển. Bởi hiện nay, các tổ chức tài chính vi
mô vẫn bị đánh giá cho vay với lãi suất cao, trong khi các tổ chức này
thường hoạt động ở vùng sâu, vùng xa nên chi phí hoạt động sẽ cao hơn.
Hơn nữa, khác với vay thương mại thông
thường, những vấn đề nông dân và DN nông nghiệp băn khoăn với các khoản
vay vi mô không hẳn là lãi suất, mà cần nguồn tài chính đúng lúc. Thực
tế, có nhiều khoản vay vi mô chỉ một vài triệu, vài trăm nghìn đồng,
nhưng mức lãi phải trả rất ít nhưng hộ nông dân chưa tiếp cận được ngân
hàng.../.
Theo chinhphu.vn