Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 13/12/2010 20:58'(GMT+7)

Cần khắc phục tình trạng nợ BHXH

Nếu như năm 2009, số nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng đến cuối tháng 8 này, tổng số tiền nợ BHXH đã lên tới hơn 4.300 tỷ đồng. Những địa phương nợ BHXH lớn gồm: Hà Nội 192 tỷ đồng, TP HCM trên 50 tỷ đồng, Đồng Nai hơn 30 tỷ đồng....

Điều đáng nói, tình trạng nợ động BHXH chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo bà Huỳnh Thị  Mai Phương, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 9 có 842 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH trên 12 tháng với số tiền là 192 tỷ đồng, trong đó có 712 doanh nghiệp ngoài quốc nợ 124 tỷ đồng.

Tại Đồng Nai có 22 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nợ dây dưa kéo dài từ năm 2008 đến nay với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Tại TP HCM, hiện có gần 20 doanh nghiệp nợ BHXH trên 1 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nợ tới 7 tỷ đồng.

Theo Điều 18 của Luật BHXH, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH hàng tháng được trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo Luật, để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Nhưng tình trạng nợ đọng BHXH là do nhiều doanh nghiệp tuy đã hết niên độ quyết toán nhưng chưa dồn tiền trả nợ BHXH và đóng khoản BHXH phát sinh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường phải vay ngân hàng với lãi suất cao trong khi nợ BHXH chỉ bị lãi chưa đóng, chậm đóng là 10,5%/năm (tương đương với 0,875%/tháng) nên việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để cố tình nợ tiền BHXH của người lao động. Đối với một số doanh nghiệp khác,mặc dù nắm rõ trách nhiệm của đối với người lao động trong việc thực hiện Luật BHXH, nhưng cố tình né tránh để rồi “lách luật” bằng các hợp đồng thời vụ nhằm bớt đi một khoản đóng góp không nhỏ. Trong khi đó, tổ chức công đoàn ở cơ sở chưa mạnh, chưa dám mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt đối với những trường hợp mà doanh nghiệp đã trích tiền của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà sử dụng vào mục đích khác.

Bên cạnh đó, chế tài và mức xử phạt vi phạm này còn quá nhẹ (với mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng) với các đơn vị, doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động.

Khi các đơn vị, doanh nghiệp không nộp BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm hiện hành như: Bảo hiểm y tế, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như Luật BHXH quy định.

Để khắc phục tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động, trước hết cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin về chế độ, chính sách cho người lao động nhất là những quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ như: Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn... Có như vậy, người lao động mới chủ động yêu cầu, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp thực thi việc đóng BHXH đúng luật định. Mặt khác, bản thân người lao động cần chủ động tìm hiểu, nắm kiến thức pháp luật, chế độ chính sách để tự bảo vệ mình trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa chức năng “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động".

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, BHXH tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những đơn vị, doanh nghiệp không làm tốt việc đóng BHXH để đôn đốc nhắc nhở, nếu cố tình không chấp hành sẽ kiên quyết xử lý hành chính hoặc kiến nghị với các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Được biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang chỉ đạo BHXH các địa phương thành lập Ban thu nợ do các tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm: Thanh tra Nhà nước tỉnh, thành phố, đại diện các sở, ban ngành liên quan. Nhiệm vụ của tổ thu nợ là rà soát lại các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, nợ dây dưa sau đó vận động, đôn đốc những đơn vị này trả nợ.

Với những đơn vị cố tình chây ỳ lập hồ sơ khởi kiện ra tòa. Ngoài ra, cần bổ sung trong Luật Hình sự, hành vi của người sử dụng lao động khi vi phạm pháp luật BHXH đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm phải được coi là vi phạm hình sự.

Về lâu dài, BHXH Việt Nam cần sửa lại một số quy định của pháp luật lao động về BHXH. Cụ thể, có quy định giao cho cơ quan BHXH có quyền thanh tra, xử phạt những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm và có chế tài đủ mạnh để xử lý những đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ BHXH làm ảnh hưởng quyền lợi của người lao động./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất