Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/12/2010 21:51'(GMT+7)

Chất lượng cá tra Việt Nam đã được nhiều nước công nhận

Cá tra Việt Nam

Cá tra Việt Nam

Sáng 8/12 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản tổ chức họp báo về việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra Việt Nam thuộc danh mục đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010-2011 tại một số nước châu Âu. Trước đó, giữa Tổng cục Thủy sản và WWF Việt Nam đã có cuộc đối thoại riêng về vấn đề này.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, WWF đã vi phạm nguyên tắc là mọi quyết định đều phải có sự tham gia của 3 bên. Những người liên quan, từ người nuôi cá đến các cơ quan quản lý địa phương và Trung ương của Việt Nam đều không được tham vấn. Quỹ WWF tại Việt Nam hứa sẽ cung cấp tiêu chí đánh giá sớm nhất vào chiều 8/12 và báo cáo xếp hạng sớm nhất vào thứ hai (17/12) tới.

Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: Nếu WWF không đưa ra được chứng cứ xác đáng thì phải đính chính về thông tin của mình. Còn trong trường hợp cách làm của WWF là vì thiếu thông tin, phía Tổng cục Thủy sản sẽ đề nghị hợp tác để có được cách nhìn nhận chính xác hơn.

Quy trình nuôi cá tra ở Việt Nam đã được nhiều thị trường khó tính chấp nhận. Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Gobal GAP – Tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu. Mục tiêu trong 4-5 năm tới, tất cả sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ được cấp chứng nhận Gobal GAP và là sản phẩm thủy sản đầu tiên trên thế giới đạt được chứng nhận này.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động cụ thể. Bên cạnh đó, từ năm 2004, cá tra Việt Nam đã được nuôi trong ao đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 do Hiệp hội Tiếp thị thực phẩm (FMI) Mỹ làm chủ sở hữu và điều hành. Tiêu chuẩn này đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Mỹ và nhiều nước khác, cũng như thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Anh Tuấn

Ông Phạm Anh Tuấn nêu rõ: “Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Tổng cục Thủy sản chưa có một tham gia chính thức nào vào trong bất cứ bộ tiêu chí góp ý và cũng không hề tham gia, không hề biết bất cứ một thông tin gì về vấn đề tổ chức đánh giá của WWF.

Cho đến tận sáng 8/12, chính bản thân WWF tại Việt Nam cũng không biết chuyện và cũng không có bộ tiêu chí và báo cáo đánh giá đó”.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội nghề cá Việt Nam lưu ý: Khái niệm “Danh mục đỏ” trong Cẩm nang tiêu dùng của WWF thực ra là tờ rơi, hay gọi là nhãn đỏ - nằm trong tờ rơi của một tổ chức phi Chính phủ, chứ không phải là “sách đỏ”. Nhãn đỏ này không ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu cá tra của Việt Nam, vì đây không phải là một lệnh cấm. Mặt khác, chất lượng cá tra Việt Nam hiện đã được nhiều quốc gia công nhận, trong đó có các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Tử Cương đề nghị WWF cung cấp các bằng chứng để đưa cá tra dán nhãn đỏ. Khi chưa cung cấp đủ bằng chứng thì phải thu hồi các tờ rơi đã phát.

Ông Nguyễn Tử Cương nhấn mạnh: “WWF vi phạm nguyên tắc rất quan trọng của Hiệp định thuộc Tổ chức Thương mại thế giới mà tất cả các quốc gia, tổ chức phi chính phủ phải tuân thủ: Đó là nguyên tắc công khai. WWF vào Việt Nam, tổ chức hội nghị, hội thảo xây dựng tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá về cá tra chẳng ai biết gì cả mà tiêu chí hoạt động của WWF là hoạt động đa biên”./.

Văn Hiếu - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất