Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/12/2010 21:48'(GMT+7)

Ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi cách tiếp cận tăng trưởng

Ngày 7/12, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam. Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững là chủ đề chung của Hội nghị năm nay, trong đó, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô; Sử dụng vốn hiệu quả, tránh bẫy thu nhập trung bình; cách tiếp cận mới để đạt tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững là một số nội dung cụ thể được các nhà tài trợ nhấn mạnh trong phần thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế xã hội. 

Gỡ nút thắt cho nền kinh tế

Mặc dù năm 2010, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, và đang đối mặt với lạm phát, sức ép giảm giá đồng tiền…, nhưng theo một số nhà tài trợ, việc tránh được một cuộc khủng hoảng lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn cũng là một thành công của Chính phủ Việt Nam.

Đại diện của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, thành công này là nhờ các biện pháp kích thích kinh tế phát huy hiệu quả. Tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt mức dự báo 6,5%. Các dòng vốn FDI, ODA sẽ tài trợ tốt cho thâm hụt tài khoản vãng lai. Năm 2011, mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, và các nhà tài trợ, các chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ cao mục tiêu này.

Song, nếu so với các kỳ Hội nghị trước, lần này không ít các quan điểm tỏ rõ sự lo ngại về các nút thắt của nền kinh tế Việt Nam. Và gỡ các nút thắt này, chính là vấn đề các nhà tài trợ quan tâm, muốn chung sức với Chính phủ Việt Nam. Bởi xét ở góc độ các nhà tài trợ là các nhà đầu tư, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, bền vững, thì các dòng vốn tài trợ cũng được sử dụng một cách hiệu quả.

Đại diện IMF cho rằng, nút thắt lạm phát đã tăng mạnh từ tháng 9 trở lại đây, và có thể vượt mức 2 con số so với tháng 12/2009. Ngoài nguyên nhân giá thực phẩm tăng, thì có lý do từ sự mất giá của đồng tiền. Trong khi đó, mức tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vượt 25% và đây là mức quá cao với nền kinh tế.

Còn ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên giải quyết những thách thức kinh tế vĩ mô. “Trong khi giá lương thực thế giới tăng sắp bằng mức giá trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007 và Tết sắp đến gần, điều quan trọng là phải ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát để giảm gánh nặng với người nghèo” – ông Hendra nói. 

Trước thực tế này, theo quan điểm của IMF, duy trì tăng trưởng thông qua chính sách tín dụng và tài khóa mở rộng sẽ tạo thêm những áp lực đối với ổn định vĩ mô vốn đã khó khăn. Và hiện nay, mức thâm hụt tài khoản vãng lai không tính vàng, dưới 7% vẫn là quá cao, cần phải giảm trong ngắn hạn.

Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng

Đại diện nhà tài trợ Mỹ, IMF, WB, và nhiều nhà tài trợ khác lại đặt vấn đề hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN và khu vực kinh tế Nhà nước. Bởi hiệu quả sử dụng vốn chính là bài thuốc hữu hiệu nhất ngăn ngừa khủng hoảng nợ, hoặc ngăn chặn nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trước sự việc Vinashin, các nhà tài trợ cũng đưa ra một vấn đề cần được Chính phủ ưu tiên, đó là cải cách và quản lý điều hành các DNNN. Yêu cầu lúc này là chuyên môn hóa các cơ cấu quản lý DNNN.

Các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Vinashin cũng là một ví dụ cụ thể để Chính phủ nhân cơ hội này giải quyết một cách có hệ thống những nhược điểm trong quản lý các DNNN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng không nhìn nhận khác về bất ổn kinh tế vĩ mô mà các nhà tài trợ quan tâm, và Chính phủ đang duy trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là mục tiêu hàng đầu năm 2010 và tiếp tục trong năm 2011. Những lo ngại của các nhà tài trợ thì cũng là mối quan tâm của Chính phủ: “Chính phủ đặt ra giải pháp, theo tôi cần xa hơn, rõ hơn nữa, đó là cắt giảm chi tiêu ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư công và nâng cao hiệu quả kinh tế Nhà nước. Nếu làm được việc cắt giảm bội chi ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư công, chắc chắn sẽ thu hẹp được giữa tiết kiệm và đầu tư. Khi thu hẹp được vài điểm phần trăm, thì sẽ giảm được thâm hụt cán cân thanh toán. Nếu giảm được thâm hụt cán cân thanh toán thì giảm được cầu về ngoại tệ, áp lực lên tỷ giá” – ông Cung nói. 

Các nhà tài trợ cũng gợi ý Việt Nam cần tiếp tục giảm bội chi ngân sách hơn nữa, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ như đang thực hiện từ tháng 11 vừa rồi. Song cần có một gói biện pháp thắt chặt gồm nhiều biện pháp để có hiệu quả cao hơn. Tiếp đó tiến đến ổn định lạm phát trong khoảng từ 3-4% như các nước trong khu vực. Những biện pháp này là quan trọng để đảm bảo lòng tin của người dân.

Trên phương diện tổng thể, bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội và Việt Nam đang tích cực chuẩn bị chiến lược 10 năm 2011 – 2020.

Ngoài những vấn đề cần sớm giải quyết trước mắt, về lâu dài, bà Victoria cho rằng: Từ những năm 1980, thành công đổi mới của Việt Nam dựa trên những yếu tố lao động giá rẻ, sự trù phú của thiên nhiên. Nhưng đó là nguồn lực và cơ hội giới hạn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, cần có các cách tiếp cận mới. Đó là nguồn lực mới tạo ra sự cạnh tranh về năng suất, sự đổi mới, sáng tạo, sử dung hiệu quả nguồn lực đầu tư. Đặc biệt phải vượt qua yếu tố phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ cần tiếp cận phù hợp hơn với nhu cầu phát triển kinh tế dựa trên những yếu tố mới. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Tăng trưởng kinh tế nhưng phải đảm bảo sự bền vững hoặc ít tác động đến môi trường. 

Năm 2009, với lòng tin vào nền kinh tế, với những đánh giá tích cực về hiệu quả sử dụng vốn, các nhà tài trợ đã tài trợ 8 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.

Việc tài trợ bao nhiêu trong năm nay sẽ được quyết định vào chiều 8/12, sau khi bế mạc Hội nghị. Đại diện của một số nhà tài trợ cho biết sẽ tăng tài trợ cho Việt Nam.

Nhưng, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là tốc độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn ODA. Nếu giải ngân thấp, sử dụng vốn không hiệu quả, thì lượng vốn tài trợ là bao nhiêu cũng không mấy ý nghĩa.

Vũ Dũng - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất