Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 20/5/2010 22:39'(GMT+7)

Cần làm rõ tính khả thi đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Thái Bình/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Thái Bình/TTXVN)

Phát triển đường sắt cao tốc sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Nếu không xây đường sắt cao tốc thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc-Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày. Dự báo đến năm 2020, phân bổ cho vận chuyển bằng đường sắt cao tốc là 48.000 hành khách/ngày.

Với năng lực chuyên chở cao (năng lực chuyên chở một chiều bình quân mỗi năm đạt 50 triệu-70 triệu người), đường sắt cao tốc đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2020, sau năm 2035 và trong tương lai trên trục Bắc-Nam.

Phân tích nhu cầu vận chuyển, năng lực chuyên chở, khả năng đáp ứng của các loại hình vận tải đến năm 2030 trên trục Bắc-Nam và dự báo nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt đến năm 2020 cho thấy sự cần thiết phải có tuyến đường sắt cao tốc.

Theo kinh nghiệm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của các nước và khả năng thực tế của Việt Nam, để đưa tuyến đường sắt cao tốc đi vào khai thác năm 2020, thì thời gian bắt đầu thiết kế xây dựng Dự án phải được tiến hành muộn nhất vào năm 2012.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trình bày chi tiết 4 phương án đầu tư và cho biết: thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến Vinh khi hoàn thành là 1 giờ 24 phút; chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang là 1 giờ 30 phút; tuyến Hà Nội-Hòa Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga.

Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha đất và 9.480 hộ cần tái định cư. Tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 triệu USD.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc này song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh cũng cho rằng, để thấy được tính khả thi của dự án, Chính phủ, Chủ đầu tư cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại dịch vụ vận tải cao cấp này, những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc so với việc đầu tư cho các loại hình giao thông khác. Cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý xây dựng đường sắt cao tốc bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ và chủ đầu tư giải trình và phân tích cụ thể hơn tính khả thi của từng thời kỳ thực hiện dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch phát triển vận tải biển, quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sông, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch của các tỉnh có dự án đường sắt cao tốc chạy qua, nhất là đối với quy hoạch của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - nơi xây dựng hai ga đầu mối hiện đại .

Cần làm rõ tính khả thi của việc hiện đại hóa, mở rộng, nâng cấp đường sắt trong tương lai từ Hà Nội đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau...

Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể và chi tiết hơn tuyến đi qua các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các điểm di tích lịch sử-văn hóa, địa bàn chiến lược về an ninh-quốc phòng, ảnh hưởng của dự án đối với các công trình thủy lợi, công trình thoát lũ đã và đang xây dựng dọc theo tuyến đường, nhất là ở khu vực miền Trung.

Trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo đầu tư thì phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này, đặc biệt là đối với những địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng hiện không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của dự án, đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư.

Do đây là dự án thực hiện trong thời gian dài (25 năm) với quy mô vốn lớn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội xem xét quyết định theo từng cụm dự án thành phần, trước mắt là trong thời kỳ đến năm 2020. Trước khi khởi công xây dựng từng dự án, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét và quyết định nội dung cụ thể theo thẩm quyền.

Cũng trong buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 cho biết, năm 2008 quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đạt và vượt dự toán được giao; tỷ trọng thu nội địa đạt 55,8%.

Cơ cấu ngân sách nhà nước tiếp tục có bước chuyển biến, ngân sách dành cho đầu tư phát triển tăng khá (đạt 8,1% GDP, chiếm 26,3% tổng chi ngân sách, tính cả chi từ trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết, thì chi đầu tư phát triển đạt 31,6% tổng chi ngân sách nhà nước và đạt 10,4% GDP) góp phần thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.

Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2008 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 548.529 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 590.714 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP.

Thay mặt Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhận định, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 của Chính phủ đã phản ánh sát thực hơn tình hình tài chính, ngân sách nhà nước, đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội và tuân thủ các quy định của Luật ngân sách nhà nước; được tổng hợp từ quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Hội đồng Nhân dân phê chuẩn và quyết toán của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đã đối chiếu và được Kho bạc Nhà nước xác nhận; đã xem xét, tiếp thu kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Tài chính.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng chất lượng xây dựng dự toán có tiến bộ so với năm 2007, tuy nhiên thực tế một số khoản thu, chi vẫn vượt lớn và cơ cấu thu không sát với dự toán.

Điều này vừa thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, nhưng cũng còn có nguyên nhân là xây dựng và giao dự toán chưa sát thực tế, chưa bao quát hết các nguồn thu, nhất là các khoản thu từ thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, thu từ khu vực sự nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất