Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 9/10/2014 14:45'(GMT+7)

Cần nâng cao chất lượng đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Từ ngày 8-9/10 tại Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế: “Đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, PGS.TS. Lê Văn Toàn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, TS.Nhạc Sỹ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, đại diện Hội nhạc sỹ Na Uy, Hà Lan, Nga, Lào, Philippines cùng đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, Nhạc sỹ, giảng viên âm nhạc của Việt Nam đã tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Nền âm nhạc mới Việt Nam đã có những đóng góp thực sự to lớn vào thành tựu phát triển của Văn hoá Việt Nam. Có được thành quả hôm nay, không thể phủ nhận vai trò của các thế hệ nhạc sỹ sáng tác. Bằng khả năng đặc biệt, bằng tri thức âm nhạc, họ đã thổi hồn, mang đến sức sống cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm đánh giá những thành quả đã đạt được, phân tích, tìm hướng đi thích hợp cho ngành Sáng tác âm nhạc Việt Nam là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chỉ rõ: Đào tạo Sáng tác âm nhạc là khâu then chốt để tạo ra những nhà soạn nhạc trong tương lai. Hội thảo quốc tế lần này là cơ hội quý báu để chúng ta cùng lắng nghe những ý kiến của các nhà quản lý, các nhạc sỹ, các nhà sư phạm đánh giá về tình hình đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, tìm hiểu những xu hướng đào tạo sáng tác âm nhạc trên thế giới, để từ đó phân tích, rút kinh nghiệm vào thực tế giảng dạy ở Việt Nam.

Tại cuộc Hội thảo, các đại biểu đã cùng phân tích thực trạng công cuộc đào tạo nhạc sỹ hiện nay cũng như tham khảo mô hình đào tạo của các chuyên gia nước ngoài trong các khâu như tuyển sinh đầu vào; trang bị kiến thức kinh điển trong nhà trường – vận dụng theo nhu cầu xã hội; rèn luyện tư duy khí nhạc – viết ca khúc; mối quan hệ giữa hai lực lượng dạy và học: thầy ngày càng ít, trò không ham học.

Bên cạnh những lý giải về thực tế trong công tác đào tạo ngành Sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay, Hội thảo cũng đã nhận được những đóng góp quý báu từ những mô hình đào tạo của các chuyên gia nước ngoài.

Tại Hội thảo nhiều ý kiến phát biểu, tham luận đã nhận được sự quan tâm, trao đổi, chia sẻ của các đại biểu như: “Ý tưởng và mục đích trong đào tạo ngành sáng tác âm nhạc ở Việt Nam” của PGS Nguyễn Văn Nam; “Thử bàn về tầm quan trọng của việc đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam” của PGS Vĩnh Cát; “Cần tìm kiếm, phát hiện những khả năng sáng tạo cho ngành đào tạo sáng tác âm nhạc hiện nay” của NS Cát Vận; “Sự cần thiết trong việc mở rộng quy trình dạy và học môn sáng tác âm nhạc hiện nay” của NS Vũ Nhật Tân; “Những suy nghĩ về đào tạo Sáng tác khí nhạc dân tộc cổ truyền cách tân” của NS. NSND. Trần Quý; “Sáng tác âm nhạc – Vì sao” của Gei Johnson (Na Uy); “Kết nối lý thuyết âm nhạc địa phương với sáng tác thế kỷ XXI” của Maria Christine( Philippines)…

Duy Phong


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất