Thứ Hai, 6/10/2014 15:1'(GMT+7)
"Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc"
Đây là tên Hội thảo diễn ra tại thành phố Tam Kỳ sáng 6/10 do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam đã tổ chức.
Hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc” . Đồng chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc, Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du Lịch Quảng Nam Đinh Hài. Tham dự hội thảo có trên 130 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các Viện nghiên cứu, các nhà báo trong cả nước.
Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Phan Khôi- một trí thức ưu tú của đất Quảng, đặc biệt là những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa dân tộc là những nội dung chính của hội thảo được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đi sâu để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, đa chiều từ cá tính, cuộc đời đến vai trò nhà báo, nhà văn với nhiều cách tân, phản biện xuất sắc từng để lại dấu ấn và gây tiếng vang cả nước. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, điều đáng mừng trước khi tổ chức hội thảo, Ban tổ chức đã tập hợp in thành kỷ yếu đầy đặn với 50 tham luận của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi và cả những tác giả mới, cùng những nhìn nhận cũng khá mới mẻ về Phan Khôi.
Một số tham luận tại hội thảo tiếp tục ghi nhận những đóng góp của Phan Khôi trên các lĩnh vực ở những góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Cụ thể như tham luận: “ Vị thế Phan Khôi trong phong trào thơ mới- Nhìn từ thực tại Thơ mới 1932-1945 ” của Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn; “Ông Phan Khôi và cô Kiều” của Nhà văn Phạm Xuân Nguyên; “Phan Khôi với việc bảo vệ quyền lợi của người dân” của Phó Giáo sư- Tiến sỹ Trương Công Huỳnh Kỳ; “Phan Khôi -Người Quảng Nam thứ thiệt” của Phạm Phú Phong; “Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa” của Phó Giáo sư- Tiến sỹ Đỗ Lai Thúy; “Quê hương, gia thế Phan Khôi” của Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Văn Đăng, Trường đại học Khoa học Huế…
Hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc” cũng đã tiếp nhận thêm những nhìn nhận khá mới mẻ về đóng góp của Phan Khôi lần đầu tiên được trình bày ở một hội thảo khoa học đó là “Phan Khôi với thơ trào phúng và nghề làm báo” của Nhà báo Vu Gia; “Phan Khôi với luận lý học” của Phó Giáo sư- Tiến sỹ Ngô Quang Huy; “Đóng góp của Phan Khôi về nghiên cứu Việt Ngữ” của Phan Thanh Minh…Điều đáng chú ý trên lĩnh vực văn học, tại hội thảo cũng đã có tham luận lý giải nhiều vấn đề mới về “hiện tượng” Phan Khôi làm văn học và cũng chính là làm văn hóa. Theo nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh “ Phan Khôi là một trong những nhà văn hóa nổi bật của thế kỷ XX. Ông vừa viết văn chương, vừa vận động yêu nước” là hoàn toàn đúng đắn. Có thể nói cuộc đời Phan Khôi, nhất là vào những năm 30 của thế kỷ trước Phan Khôi đã tả xung hữu đột, luận chiến, bút chiến trên văn đàn, làm ngự sử văn học, mở ra một chương mới về phê bình, lý luận văn học. Đằng sau câu chữ của ông, với thái độ dứt khoát, ngay thẳng có thể làm mất lòng người đọc nhưng chính tấm lòng với nền văn chương, học thuật nước nhà đã thôi thúc ông lao động miệt mài. Bởi theo ông “Sự cãi về học vấn chẳng qua là bênh vực cho Chơn lý”.
Chủ trì hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định hội thảo “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc” lần này đã đạt yêu cầu đề ra. Nhiều vấn đề mới, những nhận định có tính khoa học, đầy thuyết phục về di sản Phan Khôi tiếp tục được khẳng định. Tới đây, việc nhìn nhận đánh giá những đóng góp của Phan Khôi trên nhiều lĩnh vực khác cũng phải trên tinh thần sử học, trung thành với sự thật khách quan, truy tìm tới cùng ngọn nguồn của vấn đề để đưa đến nhận định chính xác, khoa học và thuyết phục./.
TTXVN