Nhà báo Khánh Vân, Tổng đạo diễn Chương trình làm việc với bà Mai Thị Thọ, Trưởng ban Liên lạc nữ Trường Sơn, tỉnh Phú Thọ, nhân chứng tham gia giao lưu với Chương trình
|
Chương trình là món quà đặc sắc Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019) do Báo Nhà báo và Công luận; Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức, cùng với sự tham gia của NS ƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, góp phần làm sống lại hào khí Trường Sơn thời đánh Mỹ.
Chương trình gồm có ba phần: “Hào khí Trường Sơn”, “Người không hát tình ca” và “Thay lời tri ân”, được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.
Ở phần 1, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được giao lưu với những nhân chứng lịch sử là những tấm gương cá nhân tiêu biểu của những đơn vị tiêu biểu trên các cung đường huyền thoại - những cung đường quân sự làm gấp quanh co nhỏ hẹp, vượt qua nhiều dốc cao vực sâu, dưới thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa”, cùng với muôn vàn khó khăn gian khổ, hiểm nguy, kể cả phải hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Ở phần 2, khán giả sẽ được gặp gỡ những cựu chiến binh Trường Sơn đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, đau thương trong và sau cuộc chiến. Sau những huyền thoại vinh quang về một thời mở đường đánh giặc, cứu nước, họ đã phải chịu đựng nhiều nỗi buồn đau, day dứt khôn nguôi trong cuộc đời còn lại, nhất là đối với các nữ chiến sĩ: “Em trở về sau năm tháng chiến tranh/ Đành chấp nhận gái quá thì nhỡ lứa/ Đường Trường Sơn những năm đạn lửa/ Cơn sốt rét rừng theo dọc tuổi hai mươi/ Em trở về không phải thương binh/ Chỉ vết thương lòng day vào năm tháng/ nhớ kỷ niệm âm thầm trong dai dẳng/ Phương thuốc nào dịu bớt nỗi lòng đau/ cứ mỗi mùa xào xạc nắng hoa cau/ nỗi thèm khát ru con nào ai biết/ Đêm đăm đắm trăng trên trời hao khuyết/ tháng bảy về lẩn thẩn với mưa ngâu”… và còn nữa bao số phận nghiệt ngã, bởi họ là những nạn nhân của chiến tranh, điển hình là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin tàn ác do đế quốc Mỹ dải vào Việt Nam. Giờ đây, mỗi khi nhớ về quá khứ, họ lại thơ thẩn nhìn cuộc đời qua ô cửa nhỏ với những kỷ niệm buồn chợt đến rồi đi trong cuộc đời mình. Vượt lên nỗi buồn riêng, những con người huyền thoại của Trường Sơn năm xưa lại lao vào hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ hội viên nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương để xoa dịu bớt nỗi đau năm tháng.
Ở phần 3, thông qua phóng sự “Thay lời tri ân”, khán giả sẽ được chứng kiến Ban tổ chức trao trực tiếp 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sỹ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua Chương trình, Ban tổ chức sẽ tặng 180 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ kinh phí xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với số tiền gần 3 tỷ đồng./.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của Ban Tổ chức Chương trình
Ban tổ chức Chương trình tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa (Nghệ An) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
|
Ban tổ chức Chương trình tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xã Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn, Nghệ An.
|
Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”, khắc họa chân dung của các liệt sỹ: Võ Thị Sáu, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc sẽ được xây dựng tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
|
Nhà báo KHÁNH VÂN