Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 15/6/2009 21:48'(GMT+7)

Tần số vô tuyến điện phải được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn

  Chiều 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Tần số Vô tuyến điện (VTĐ). Nội dung thảo luận tập trung vào một số vấn đề chính: Quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện; đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Trong những năm gần đây, sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng đã khiến cho nhu cầu sử dụng phổ tần số VTĐ ngày càng cao. Vì thế tần số VTĐ cũng ngày càng trở nên quý hiếm, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn. Đó là ý kiến của đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) đối với công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tần số VTĐ.

Sử dụng tần số vô tuyến điện phải theo quy định cụ thể

Thời gian qua, cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện đã xử lý trên 800 vụ can nhiễu, phát hiện và xử lý trên 9.000 vụ vi phạm các quy định về sử dụng tần số VTĐ nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng tần số VTĐ. Công tác kiểm soát tần số VTĐ, xử lý can nhiễu, chế tài để người sử dụng tần số vô tuyến phối hợp với cơ quan quản lý còn yếu, dẫn đến việc tìm nguyên nhân gây nhiễu mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng tới hoạt động, lợi ích của người sử dụng khác.

Theo đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh), dự thảo Luật Tần số VTĐ cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người sử dụng tần số VTĐ và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của cơ quan quản lý tần số VTĐ. Có như vậy, mới giảm được các vụ vi phạm khi sử dụng tần số VTĐ

Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Danh (đoàn Gia Lai), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng: Cần thúc đẩy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số VTĐ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh đã được tăng cường thông qua công tác hợp tác quốc tế.

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) nêu ý kiến: Việc phân bổ băng tần phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh đã được đề cập lần đầu trong Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và cho tới nay đã hoàn thành cho dải tần số 9 kHz – 470 MHz. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hoà việc sử dụng tần số vô tuyến điện giữa 3 khối dân sự, an ninh, quốc phòng, các quy định về công tác phối hợp và quản lý cần được cụ thể hoá hơn nữa. Kinh nghiệm thực hiện những năm qua cho thấy, do đặc thù của ngành Quốc phòng và an ninh, cần có thêm các quy định chi tiết của pháp luật trong việc phối hợp sử dụng, quản lý tần số và thiết bị VTĐ để nâng cao hiệu quản lý và sử dụng các băng tần.

Có thể chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ thông qua đấu giá

Đối với vấn đề đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) nêu ý kiến: Dự thảo quy định hai hình thức cấp phép mới, đó là đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ (đối với những băng tần có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng đáp ứng) để từng bước thiết lập phương thức cấp phép tần số dựa theo cơ chế thị trường thay vì việc cấp phép theo cơ chế “cấp – phát”, “đến trước được cấp trước, đến sau thì cấp sau” như trước đây.

Với các hình thức cấp phép này sẽ cho phép lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng khai thác, sử dụng một cách tốt nhất phổ tần số VTĐ, mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần quy định với những đối tượng được cấp phép thông qua hình thức đấu giá tần số thì được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng. Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về băng tần được đem ra đấu giá quyền sử dụng.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Hà Công Long (đoàn Gia Lai) cho rằng: Dự thảo Luật Tần số VTĐ cần chú trọng tới việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục, tạo điều kiện linh hoạt cho việc sử dụng tần số của người sử dụng, mở rộng các băng tần sử dụng chung không cần cấp phép nhưng vẫn đảm bảo mục đích hiệu quả, an toàn trong việc sử dụng phổ tần. Việc làm này sẽ góp phần giúp cho các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tần số VT Đ được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Sáng mai (16/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cơ yếu./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất