Tự do và quyền con người là những giá trị cao quý của nhân loại. Không có chế độ
xã hội nào, không có nhà nước đương đại nào phủ nhận giá trị đó. Sự khác biệt về
nhận thức lý luận đối với những phạm trù, khái niệm trừu tượng như khái niệm tự
do và quyền con người cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, những quan niệm ấu trĩ, sai lầm về “tự do” và “quyền con người” đã
khiến cho người ta có hành vi vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Chẳng hạn
dựa vào nhận thức sai lầm về tự do ngôn luận, một số blogger trong “Câu lạc bộ
nhà báo tự do” viết bài xuyên tạc chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoặc dựa
trên “công thức” xơ cứng, sai lầm về pháp luật: “Điều gì luật pháp không cấm thì
đều có quyền làm”, người ta kêu gọi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp
1992.
Vậy tự do là gì và trong đời sống thường nhật,
người ta phải hành động như thế nào cho phù hợp với quan niệm đúng đắn về tự do?
Khái niệm tự do trong triết học được xem là một
giá trị cao quý, cơ bản của nhân loại. Theo nhà triết học Locke (John Locke
1632-1704) “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà
mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào". Như vậy tự do ở đây chỉ là khả
năng của con người. Còn nhà triết học cận đại Hegel (G.W Friedrich Hegel
1770-1831) thì cho rằng: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Như vậy, ở đây
tự do không chỉ là nhận thức mà cả ở hành động. Tuy nhiên, theo Hegel, muốn có
tự do thì trước hết phải nhận thức được cái tất yếu, cái quy luật. Người ta nhận
thức được quy luật đến đâu thì hành động tự do được bảo đảm đến đấy. Vi phạm quy
luật, tất yếu sẽ bị mất tự do. Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, loài người còn
có giá trị khác, cao quý không kém tự do, đó là ý thức về trách nhiệm của cá
nhân với cộng đồng, với dân tộc và gia đình. Phải chăng, đây mới là giá trị phân
biệt loài người với phần còn lại của thế giới.
Trong chính trị, quy luật cơ bản liên quan đến sự
tồn tại, phát triển của một dân tộc trước hết là quyền dân tộc tự quyết. Quyền
này bao gồm: Quyền xác lập chế độ chính trị, thể chế quốc gia và hệ thống pháp
luật. Tất cả các quốc gia, kể cả tổ chức chính trị lớn nhất hành tinh như Liên
hợp quốc đều phải tôn trọng quyền đó. Với quyền này, các nhà nước có quyền áp
dụng tất cả các biện pháp, trong đó có xây dựng và thực thi pháp luật để bảo vệ
chế độ của mình. Những hành vi chống lại chế độ chính trị và nhà nước hiện hữu
là vi phạm quy luật, tất yếu sẽ mất tự do. Nhận thức đúng đắn về tự do của cá
nhân không thể không nhận thức đúng quy luật này. Nói một cách đơn giản: Không
có quyền tự do cá nhân nào được phép đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính
trị, lợi ích của Nhà nước.
Bây giờ trở lại vấn đề quyền con người, xem quyền
con người (QCN) là gì? Vì sao có những người cho rằng, họ chỉ “thực hiện những
quyền con người của mình, đã được pháp luật ghi nhận” mà lại bị bắt bớ, xét
xử?
Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài
của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Với tư cách là một giá
trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá
trị này bao gồm: Nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và
trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Khái niệm này là phương hướng cho sự
phát triển của nhân loại.
Với tư cách là một giá trị pháp lý, QCN là các
quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm,
các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và nghĩa vụ của mỗi
người đối với cộng đồng. Có thể nói cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận
với nhau những chuẩn mực chung về quyền con người. Những chuẩn mực này được ghi
trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, 1948 (1), “Công ước quốc tế về
các quyền dân sự, chính trị”, 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã
hội và văn hóa”, 1966 (2). Tuy nhiên, Luật quốc tế về quyền con người không trực
tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và người dân ở mỗi quốc gia. Các nhà
nước nội luật hóa những công ước đã tham gia vào hệ thống pháp luật của mình,
trên cơ sở đó các quyền con người ở mỗi quốc gia mới được bảo vệ trên thực tế.
Ở Việt Nam, các quyền con người đã được nội luật
hóa trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Nói cách khác, việc bảo vệ quyền con
người ở Việt Nam đã được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Viện dẫn
quyền con người nói chung mà không dẫn ra được những quyền đó được quy định như
thế nào trong pháp luật quốc gia là thiếu tính thuyết phục, là không thể chấp
nhận.
Trong luật quốc tế về quyền con người, không có
quy định nào về “quyền tự do” nói chung. Một số quyền con người gắn với khái
niệm tự do hình thành những quyền tự do cơ bản. Chỉ những quyền tự do cơ bản này
mới được pháp luật bảo hộ. Đồng thời, những quyền (tự do) này phải chịu một số
hạn chế của pháp luật. Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”
1966, các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; về tự do ngôn luận, báo
chí; về tự do cư trú, đi lại; Về tự do lập hội, hội họp được ghi nhận. Đồng
thời, Công ước này cũng khẳng định những quyền này có thể bị hạn chế “để bảo vệ
an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền
và tự do của người khác” (3). Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam,
một số quyền công dân cũng bị hạn chế. Điều này thường được quy định theo luật
(sau khi quy định về nội dung quyền - Đối với Hiến pháp), hoặc được quy định
trong khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, Điều 88, Bộ luật Hình
sự về “Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, Điều 89, “ Tội phá rối
an ninh”…
Sở dĩ quyền tự do ngôn luận, báo chí của các
blogger trong “câu lạc bộ nhà báo tự do” không được Nhà nước ta chấp nhận vì
trên trang mạng của họ đã có hàng trăm bài xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo chính sách
của Nhà nước.
Sự tồn tại và phát triển của xã hội nói chung,
điều chỉnh mối quan hệ xã hội nói riêng không chỉ có pháp luật mà còn có những
giá trị khác, trong đó có hệ thống giá trị đạo đức và văn hóa. Những hành vi nào
đó, cho dù pháp luật không cấm hoặc chưa cấm, nhưng không phù hợp với đạo đức,
không được xã hội chấp nhận thì người ta không nên làm./.
____________________________
(1) Trung tâm nghiên cứu quyền con người,
“Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 28.
(2) Trung tâm nghiên cứu quyền con người,
“Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 249, 294.
(3) Trung tâm nghiên cứu quyền con người,
“Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 255.
Vọng Đức (QĐND)