Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 28/8/2013 16:51'(GMT+7)

Để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: Thu Hằng)

Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: Thu Hằng)

Năm 2015, 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Ngày 28/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm y tế - bảo vệ sức khỏe toàn dân”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phạm Lương Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải đã tham gia buổi toạ đàm.

Ngày 29/3/2013, Thủ  tướng Chính phủ đã có Quyết định số  583/QĐ-TTg, phê duyệt đề án thực hiện lộ  trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Mục tiêu của đề án là mở rộng phạm vi bao phủ của Bảo hiểm y tế tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững. Đây được xem là sự cam kết chính trị mạnh mẽ trong chính sách “bảo đảm an sinh xã hội” và là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước khi ban hành Luật BHYT, mới chỉ có 46% dân số tham gia BHYT. Tới cuối 2012, BHYT đã bao phủ 67%. Người dân tham gia BHYT tăng nhanh, đặc biệt quyền lợi của người tham gia được đảm bảo và mở rộng nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT, phải nói cũng có một số vấn đề chưa hợp lý, cần phải chỉnh sửa, đòi hỏi có các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tiến tới lộ trình BHYT toàn dân cũng như thực hiện các giải pháp quyết liệt để tiến tới lộ trình này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, để tiến tới toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, trước hết, cần nghiên cứu ban hành chủ trương chính sách BHYT cho phù hợp. Thứ 2, nêu cao trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương và các tổ chức chính trị phải vào cuộc. Thứ 3, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân và tập trung đưa các giải pháp vào các nhóm đối tượng, nhất là hiện nay có một số nhóm được Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí như cận nghèo, học sinh sinh viên… Về phía Bộ Y tế, chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt phải tuyên truyền để người dân hiểu tính ưu việt của BHYT, quyền lợi của người dân, để họ thấy quyền lợi, lợi ích để tham gia.

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Y tế thành lập ban soạn thảo xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Quan điểm sửa luật là thể chế hóa quan điểm của Đảng về BHYT, bảo hiểm xã hội… với mục tiêu là phải đạt được trên 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, và 2020 là trên 80% và chất lượng khám chữa bệnh của các BV phải được nâng lên, đổi mới cơ chế tài chính. Những nội dung chưa phù hợp thực tiễn sẽ được nghiên cứu, sửa dổi, những nội dung phù hợp cần tiếp tục phát huy. Những sửa đổi phải phù hợp với luật liên quan như Luật khám chữa bệnh, Luật Hiến ghép mô tạng…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết những nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm: giải thích rõ Bảo hiểm y tế là như thế nào; thứ hai là chia nhóm đối tượng giảm từ 25 nhóm đối tượng trong luật cũ xuống còn 5 nhóm; trong luật cũng nêu rõ trách nhiệm UBND xã, phường là phải lập danh sách các hộ gia đình tham gia BHYT. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT quy định hình thức đóng BHYT theo cá nhân như hiện nay sẽ chuyển sang đóng theo hộ gia đình. Qua đó tránh cấp trùng lặp thẻ BHYT xảy ra như vừa qua. Dự thảo luật cũng sẽ  giao trách nhiệm cho UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý BHYT trên địa bàn rõ hơn. Về quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ tăng lên. Bộ đang dự thảo quyền lợi của người dân trên thực tế như người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là cùng chi trả 5% tuy nhiên có ý kiến cho rằng thực tế cần nghiên cứu những đối tượng này để không phải cùng chi trả mà BHYT sẽ chi trả 100%.

Về những nội dung như mức đóng của người dân vẫn duy trì như mức hiện tại. Về giá dịch vụ y tế thì một số tổ chức quốc tế khuyến cáo BHYT nên thống nhất giá trên toàn quốc nhưng VN cần nghiên cứu cho phù hợp. Về quỹ dự phòng thì có một số quy định ít nhất bằng mức thu 2 quý liền kề nhưng hiện tại vẫn chưa đủ, và tới đây ban soạn thảo sẽ thay đổi quỹ dự phòng sẽ bằng 1 quý liền kề vì đây là quỹ ngắn hạn. Về trách nhiệm quyền hạn các bên liên quan như Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh, UBND các cấp cũng sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Tại buổi toạ đàm, ông Phạm Lương Sơn đã khẳng định để thực hiện được BHYT toàn dân đối với 30% dân số còn lại là một thách thức. BHYT VN đã chủ động xây dựng lộ trình cũng như đưa giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu làm sao để bao phủ BHYT trở thành một trong những chỉ tiêu phát triển KT-XH. Bảo hiểm xã hội đã phân loại các nhóm địa phương theo tỉ lệ bao phủ để xác định địa phương nào chưa đạt tỉ lệ bao phủ theo Nghị quyết 21 đặt ra là đến 2015 là có tối thiểu 70% dân số có BHYT và đến năm 2020 phải có tối thiểu 80% cần phân loại theo từng địa phương để có giải pháp cụ thể. Bảo hiểm xã hội cũng xác định phân tầm đối tượng tham gia BHYT và tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế trong XH để đảm bảo an sinh XH. Qua đó xác định tỉ lệ để phát triển độ bao phủ cho mỗi địa phương phù hợp với khả năng và điều kiện KTXH và quan trọng là đảm bảo được tính khả thi. Trên cơ sở đó BHYT ở các địa phương cần báo cáo thường xuyên với UBND các tỉnh, thành và đưa các chương trình này vào kế hoạch, từ đó, đưa ra giải pháp cụ thể để phát triển

Ông Phạm Lương Sơn tin rằng với quyết tâm cao và nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì sẽ đạt được mục tiêu BHYT đến được 70% dân số vào năm 2015.

Thường xuyên giáo dục y đức

Về vấn đề thẩm định giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết đối với bệnh viện tuyến Trung ương, khi xây dựng giá dịch vụ, bệnh viện căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt. Sau khi xây dựng xong trình Bộ y tế thẩm định. Một số vụ, cục của Bộ Y tế, một số ban của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số vụ của Bộ Tài chính tham gia thẩm định. Những gì bất hợp lý thì Hội đồng thẩm định sẽ loại ra.   Đối với địa phương, Sở Y tế là đầu mối phối hợp với Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội của các tỉnh sẽ tổ chức thẩm định giá y tế của từng bệnh viện. Danh mục giá dịch vụ tại các bệnh viện đó cũng phải đáp ứng đủ yêu cầu và phải có cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Sở Y tế trình UBND tỉnh, UBND đồng ý mới trình HĐND, tiếp theo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tại Bộ Y tế, Hội đồng thẩm định giao cho 1 vụ đầu mối là Vụ Tài chính trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt các danh mục. Phê duyệt dựa trên căn cứ và qua hội đồng thẩm định rất cẩn thận. Những gì không phù hợp, không hợp lý thì đều không được phê duyệt.

Theo ông Lê Thanh Hải, cần phải vận dụng thế nào quỹ BHYT để thực hiện 1 chính sách phát triển bệnh viện cũng như ngành y nói chung theo đường lối của Đảng là phải công bằng- hiệu quả- phát triển, thì vai trò của cán bộ y tế là rất quan trọng đặc biệt là các bác sỹ, điều dưỡng- người trực tiếp điều trị và quan trọng hơn nữa là chính những người tham gia quản lý tại đơn vị đó. Vì nếu cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ, không được đào tạo tốt về chuyên môn, không nắm vững chế độ chính sách BHYT, cũng không đảm bảo về giáo dục y đức thì rất dễ lạm dụng trong công tác khám bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê đơn. Tuy nhiên, nếu chỉ ở tầm 1 bác sĩ, điều dưỡng làm không đúng chỉ ảnh hưởng số lượng ít người bệnh, nhưng ở tầm cao hơn, ở tầm quản lý, lãnh đạo, nếu không có các cách làm để quản lý các quỹ BHYT sẽ nguy cơ vỡ quỹ BH trong bệnh viện cũng như hệ thống. Bên cạnh đó, chính người làm quản lý, lãnh đạo phải có biện pháp thường xuyên giám sát, kiểm tra và chỉnh đốn. Có như vậy mới giữ được quy chuẩn về lề lối làm việc, chuyên môn cũng như quy trình, đặc biệt là giữ được quỹ BHYT.

Về trường hợp bác sỹ quá lạm dụng kỹ thuật cao khi không cần thiết, ông Lê Thanh Hải cũng cho biết, thực ra, vấn đề này vẫn đang tồn tại trong thực tiễn. Nếu muốn điều chỉnh được cũng phải quay lại vấn đề đào tạo con người, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng- những người trực tiếp phụ trách sức khỏe của người bệnh khi tới bệnh viện. Thứ 2, thường xuyên giáo dục y đức. Thứ 3, phải xây dựng các quy trình chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Sau khi chẩn đoán thì phải áp dụng các biện pháp điều trị tương ứng, tránh lạm dụng các phương tiện chẩn đoán, thuốc men…

Thực tế hiện nay, quan niệm của người dân, xã hội đã có thay đổi cơ bản về BHYT. Tuy nhiên có một số trường hợp người dân khi ốm đau mới mua BHYT mà chuyên môn gọi là “lựa chọn ngược”. Và trong sửa đổi Luật BHYT sắp tới, ông Phạm Lương Sơn đề nghị cần nghiên cứu để khắc phục điều này và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Về quy định mức đóng tối đa 6% mức tiền lương tháng hoặc mức lương tối thiểu, Bộ Y tế, Tài chính, BHXHVN nghiên cứu rất kỹ trong việc quy định mức trần tối đa 6% so với mức lương cơ bản, trên tinh thần hiện chúng ta vẫn đang thực hiện mức đóng 4,5%. Trên thực tế và theo lộ trình về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tới đây, ngành y tế được phếp tính đúng tính đủ các chi phí trực tiếp.  Hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp, mới tính 3 trên 6 yếu tố, nên giá dịch vụ hiện nay chưa phù hợp với thực tế (thấp hơn). Tiến tới lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí, phải có các quy định về mức tối đa 6%, mức này. Quốc hội đã thông qua, giao Chính phủ quy định phù hợp từng giai đoạn. Hiện nay, lương của cán bộ y tế lẽ ra theo lộ trình được nâng lên, lương của cán bộ công chức, viên chức nhà nước cũng như doanh nghiệp sẽ được nâng lên, nhưng trong điều kiện hiện nay, đất nước còn khó khăn, chưa được nâng mức lương theo đúng lộ trình, thì mức đóng BHYT cũng chưa được nâng lên. Nhưng theo đúng lộ trình, mức đóng sẽ được từng bước nâng lên, nhưng khống chế tối đa không quá 6%.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết hiện nay, giá dịch vụ y tế lẽ ra là phải tăng, nhưng trong tính toán và trong lộ trình giá dịch vụ y tế cũng chỉ được điều chỉnh, chưa được tính đúng, tính đủ.

Về tình trạng tại một số địa phương, ví dụ như tỉnh Yên Bái nhiều người dân được cấp tới 2, 3 thẻ BHYT, hoặc như tại Khánh Hòa người dân bị cấp sai mã thẻ BHYT, ông Phạm Lương Sơn khẳng định Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành rà soát kiểm tra trên toàn quốc để xác định xem có bao nhiêu thẻ bị cấp trùng. Nguyên nhân cơ bản là chưa kết nối, chưa thống nhất được giữa các đơn vị cấp thẻ BHYT.

Đối với người nghèo, dân tộc thiểu số ở cùng khó khăn thì Bộ Y tế cũng đang bàn với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đưa vấn đề này vào quy định trong dự thảo luật để trình các cấp có thẩm quyền.

Để BHYT thực sự là lá chắn, là công cụ hữu hiệu bảo vệ sức khỏe toàn dân, và tiến tới hoàn thành mục tiêu mà đề án Bảo hiểm y tế toàn dân đề ra trong năm 2015 hơn 70% và năm 2020 là hơn 80% số dân tham gia BHYT thì ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đây còn là ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Việc tham gia đóng góp quỹ một cách đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người, bảo vệ sức khỏe của chính mình và đóng cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe chung của cả cộng đồng./.

Nam Hải
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất