Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu xây dựng Đề án về thực tập và
tập sự lãnh đạo, quản lý. Đối tượng được áp dụng là các chức danh lãnh đạo cấp
vụ, cấp sở và cấp phòng ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương đến địa
phương trong hệ thống chính trị.
Dự kiến, sau khi thực hiện thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương, cuối năm 2013 sẽ tiến hành tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm hoàn thiện các nội dung để đến năm 2014 được tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Như vậy, cùng với việc nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý (mà trọng tâm là thi tuyển lãnh đạo), thì việc xây dựng Đề án “tập làm lãnh đạo” chính là bước đột phá trong quá trình sàng lọc, lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm những hiền tài đích thực phục vụ tốt hơn nền hành chính công.
Cần nói rằng, trong một thời gian dài, việc bổ nhiệm các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương… thường căn cứ một số tiêu chí như: Bằng cấp, phẩm chất, khả năng chuyên môn, quỹ thời gian công tác, sự tín nhiệm của tập thể… Những yếu tố này cần nhưng chưa đủ, bởi có người cũng đầy đủ “nhãn mác”, nhưng khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý lại rất lúng túng, hiệu quả công việc không cao. Đó là chưa kể có trường hợp được lựa chọn theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, thậm chí là “mua quan, bán chức”! Thực tế đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, gây ra sự hồ nghi, hiềm khích, thiếu tín nhiệm của tập thể. Vì vậy, khi Đề án về thực tập và tập sự lãnh đạo, quản lý đối với các chức danh thuộc hệ thống công quyền được triển khai, sẽ là bước tiến quan trọng trong chiến lược của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Đối với những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, chủ trì ở cấp càng cao thì “cái gốc” ấy càng có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực thi nhiệm vụ của cả một hệ thống. Trên thực tế, có những người làm chuyên môn, nghiệp vụ rất giỏi; nhiệt tình, tận tụy với công việc, nhưng khi giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, chủ trì lại không phát huy được khả năng của mình, cá biệt có những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, buộc phải thay thế... Vì vậy, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi tiến hành giai đoạn thực tập, tập sự được coi là “liều thuốc thử” thực sự cần thiết để lựa chọn đúng nhân tài. Theo đó, với chức danh dự kiến, ngoài khả năng chuyên môn, những “ứng viên” là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải hội tụ nhiều tố chất cần thiết như: Phẩm chất đạo đức tốt, khả năng tư duy lô-gích, tầm nhìn chiến lược, khả năng bao quát, xử lý tình huống, các thành tích đạt được trong quá trình công tác, kỹ năng giao tiếp ứng xử, uy tín trước tập thể, khả năng ngoại ngữ… Tóm lại, giai đoạn thực tập hay tập sự lãnh đạo, quản lý giống như kỳ sát hạch mà hiệu quả công việc chính là thước đo đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm chính thức.
Vấn đề đặt ra là, vậy quyền hạn thực tế đối với những người được lựa chọn thực tập hay tập sự đến đâu? Bởi vì, dù với danh nghĩa là lãnh đạo, quản lý nhưng họ cũng chỉ là “tập làm” chứ chưa phải chính thức. Điều này sẽ có thể dẫn đến việc nhiều phát kiến, ý tưởng sáng tạo, mới mẻ của người thực tập, tập sự không được lãnh đạo “sở tại” chấp thuận; người thực tập, tập sự cũng không thể phát huy tốt khả năng nếu những cán bộ, nhân viên đương chức kéo bè, kéo cánh “gây khó” cho lãnh đạo tương lai. Do đó, trong Đề án sắp triển khai, cần phải tính đến những vướng mắc cần giải quyết.
Thực tập và tập sự lãnh đạo, quản lý là một nét mới trong quá trình đổi mới công tác cán bộ. Nếu đáp ứng tốt các tiêu chí đề ra, chắc chắn chúng ta sẽ tuyển lựa được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng. Đây cũng là yếu tố cấn thiết để làm trong sạch, lành mạnh, năng động hóa nền công vụ từ Trung ương đến cơ sở vốn có xu hướng bảo thủ và khép kín lâu nay./.
Lê Thiết Hùng (QĐND)