(TG) - Năm 2012, có trên 100.000 lưu học sinh đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng 90% sinh viên là du học tự túc (DHTT). Câu chuyện “du học” hiện nay đang chạy theo xu thế của xã hội và có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau liên quan đến “chi phí đầu tư” và “chảy máu chất xám”...
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong tiếp cận, thấu hiểu tâm lý giới trẻ, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn - giọng nói quen thuộc trên chương trình "Cửa sổ tình yêu" của Đài Tiếng nói Việt Nam, Hiệu trưởng Trường THCS thực nghiệm Xã Đàn (Hà Nội) chia sẻ những trăn trở của mình về xu hướng DHTT hiện nay.
Bao giờ hết... “mốt”
- DHTT hiện nay đang trở thành trào lưu với những gia đình khá giả. Trong khi các sĩ tử ngày đêm dùi mài kinh sử ôn thi đại học - cao đẳng thì lại có rất nhiều em ung dung được bố mẹ lo sẵn cho một suất du học nước ngoài. Anh có chia sẻ gì về vấn đề này?
- Trước đây, các thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng và đạt giải trong các cuộc thi tài năng trẻ sẽ được Nhà nước cử đi du học nước ngoài theo Đề án 322. Hiện nay, các gia đình có điều kiện có thể tự lo cho con em mình một suất đi du học bằng cách tự bỏ kinh phí (DHTT). Hiện trạng này trở nên khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông nhiều em đều hướng tới cái đích chung là đi du học nước ngoài. Điều này do các bậc phụ huynh đã định hướng cho con em mình ngay khi vào học phổ thông bằng cách chọn những trường chuyên ngữ, tìm các trung tâm ngoại ngữ uy tín với mục đích thi IELTS hoặc TOEFL để tạo đà cho việc đi du học sau này. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều bậc phụ huynh có tâm lý thờ ơ tới học lực trên lớp của con em mình miễn sao học cầm chừng để ra trường có tấm bằng tốt nghiệp.
- Xoay quanh vấn đề DHTT, theo anh thì có những hình thức phổ biến nào?
- DHTT ở nước ta hiện nay cũng muôn hình muôn vẻ. Nhiều học sinh có ý thức rất rõ về tương lai của mình nên phấn đấu đạt kết quả học tập tốt, học thành thạo ngoại ngữ với ước mơ du học. Các em tự lên mạng giao dịch với các trường quốc tế, liên hệ làm bài thi của họ, giành được học bổng du học, đấy là điều rất đáng quý.
Ngoài ra những gia đình có truyền thống du học, có bố mẹ đã từng học tập hay làm việc ở nước ngoài. Đương nhiên họ có những hiểu biết và kinh nghiệm để định hướng cho con em mình có một môi trường học tập tốt cũng là nhu cầu chính đáng.
Phần đông đối tượng du học sinh tự túc hiện nay thuộc những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Các bậc phụ huynh tích cực đầu tư tiền của cho con em mình mà không quan tâm tới con cái họ học hành ra sao. Những đối tượng thuộc diện này có học lực bình thường dù có thi vào các trường đại học lớn ở Việt Nam cũng chưa chắc đã đỗ. Ở nước ngoài người ta tôn trọng quyền học tập của con người, nhiều trường chỉ cần du học sinh chứng minh tài chính của bố mẹ có khả năng chu cấp kinh phí là đủ điều kiện “đầu vào” nên nghiễm nhiên các em được tuyển, còn “đầu ra” thì họ làm rất chặt.
- Anh đánh giá thế nào về chất lượng của những lưu học sinh bằng con đường DHTT?
- Việc phụ huynh lo cho con em mình đi DHTT cũng tạo ra bức tranh tương phản nhau. Một là, những học sinh có tư chất thực sự được cha mẹ định hướng học tập ngay khi còn nhỏ mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn gắng gượng hi sinh vì tương lai con cái. Trường hợp thứ hai rơi vào những gia đình có kinh tế do không quản lý chặt dẫn đến con em họ lơ là học hành, chơi bời lêu lổng. Các ông bố bà mẹ liền đưa ra giải pháp với ý nghĩ chủ quan rằng môi trường học tập mới sẽ rèn luyện con em họ tốt hơn, vừa cách ly được với bạn bè xấu lại được tiếng đi du học nước ngoài. Sang bên đó nếu các em tự ý thức được mà cố gắng học tập thì chẳng nói làm gì nhưng nếu vẫn cứ ỷ lại vào điều kiện kinh tế mà tiếp tục đua đòi thì điều đó sẽ tạo nên hình ảnh xấu về sinh viên Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. Chúng ta cần nhận rõ rằng không phải bất cứ du học sinh nào đi học nước ngoài về cũng đều làm việc tốt cả. Có đến 70% du học sinh Việt Nam không trở về nước sau tốt nghiệp. Phần còn lại về nước nếu không được đãi ngộ xứng đáng thì cũng đầu quân cho các công ty ngoại quốc, liên doanh hay các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Còn những sinh viên được bố mẹ đầu tư đi học cốt chỉ lấy được tấm bằng, rồi dựa vào vị thế gia đình mở công ty nọ công ty kia thì đó chưa phải năng lực của chính các em.
- Liệu những hệ lụy trên bắt nguồn từ căn bệnh thành tích mà chúng ta chưa khắc phục được?
- Xã hội hiện nay đánh giá con người qua chức danh, học hàm học vị nên người ta đua nhau vào học đại học, chạy theo bằng cấp. Và như chúng ta đã thấy rất nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư cho con em mình đi du học ở Anh, Pháp, Mỹ... chứ có mấy ai khuyến khích đi học nghề. Dường như, DHTT trở thành trào lưu, thành mốt để khẳng định vị thế của các gia đình khá giả.
- Dường như với các trường trong nước thì nhiều bậc phụ huynh nắm khá rõ, nhưng họ lại hiểu biết mù mờ về thông tin du học ở các trường quốc tế dẫn đến tình trạng nhận “quả đắng” do các trung tâm tư vấn, môi giới du học mọc lên như nấm. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?
- Hầu hết các bậc phụ huynh học sinh cập nhật thông tin du học qua hai kênh chính là: tra cứu internet và qua các trung tâm tư vấn. Thực trạng của những trung tâm tư vấn du học hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn. Nhu cầu du học ngày càng tăng, nên các trung tâm đồng loạt mở ra, trong đó yếu tố kinh doanh là rất quan trọng. Đến với trung tâm nào cũng thấy những lời quảng cáo hoa mỹ về uy tín của trường, chất lượng đào tạo, học bổng toàn phần... nhưng thực ra đó chỉ là những chiêu trò môi giới, đánh bóng thương hiệu các trường mà sinh viên có nhu cầu làm hồ sơ. Các bậc phụ huynh đến trung tâm du học thường quan tâm tới các vấn đề: Trường trúng tuyển thuộc thành phố nào? Giá cả sinh hoạt ra sao? Học những ngành gì? Đóng học phí bao nhiêu? Ra trường có xin được việc không?... Mà không mấy quan tâm đến chất lượng giáo dục. Nắm bắt được tâm lý này các trung tâm tung ra những "ngón võ làm tiền” nên rất nhiều người bị nhận "quả đắng".
“Chất xám” vẫn chảy
- Thưa anh, những nguyên nhân nào dẫn đến việc DHTT mất kiểm soát như hiện nay?
- Nhiều người chưa tin tưởng vào chất lượng của nền giáo dục Việt Nam. Những người có hiểu biết một chút cho rằng đào tạo đại học ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng đòi hỏi của công việc sau này và có những định hướng khá sớm cho con cái họ đủ điều kiện đi du học. Những nhà tuyển dụng nước ngoài thường không coi trọng tấm bằng đại học được đào tạo ở Việt Nam. Qua thực tế cho thấy nếu nhận sinh viên của ta vào làm việc thì họ phải đào tạo lại do chỉ giỏi lý thuyết mà lơ ngơ về thực hành, làm việc lại không hiệu quả. Một nguyên nhân nữa là chúng ta chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đúng mức việc nâng cao chất lượng đại học. Hiện nay chúng ta phát triển đại trà, để có một ngôi trường thực sự đẳng cấp ngang tầm nước ngoài thì chúng lại chưa quan tâm. Vì vậy, những học sinh ưu tú có ý thức học tập, mong muốn đạt được những thành quả về sự học của mình, có nhu cầu vươn ra nước ngoài học tập là điều hết sức bình thường.
- Ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung được và mất gì qua thực trạng DHTT như hiện nay?
- Hàng năm, số lượng du học sinh ra nước ngoài nghiên cứu và học tập đang có chiều hướng tăng lên không ngừng. Điều này đồng nghĩa với dòng ngoại tệ đang “chảy ngược” từ Việt Nam tới các quốc gia khác. Ở các cường quốc về giáo dục như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc... các du học sinh phải đóng học phí rất cao. Tính cả chi phí sinh hoạt, ăn uống thì một năm mỗi gia đình cũng phải chi cho con em mình món tiền không nhỏ. Từ đó, với số lượng hàng trăm nghìn du học sinh có thể thấy tình trạng “chảy máu ngoại tệ” từ Việt Nam ra nước ngoài là rất lớn. Theo tôi được biết có tới 70% du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp không trở lại quê hương làm việc. Chúng ta đầu tư “hoành tráng” là thế, có công đào tạo, ươm mầm những tài năng từ lớp 1 đến lớp 12 hy vọng kế cận sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao mà để cho nước khác hưởng lợi thì điều đó thật đáng tiếc.
Lỗ hổng lớn về tài chính và nguồn nhân lực “một đi không trở lại” với du học sinh học tập và nghiên cứu ở nước ngoài là mất mát lớn không chỉ đối với ngành giáo dục mà với cả xã hội. Cái được ở đây là những ai có điều kiện ra học tập ở nước ngoài thì họ có “phông” văn hóa rộng hơn, tầm nhìn thông thoáng hơn như vậy khi trở về quê nhà có phong cách làm việc tốt hơn, tác phong tốt hơn đó là những hạt nhân, là tiền đề để phát triển.
- Thưa anh, vậy ngành giáo dục cần có những định hướng gì để giải quyết triệt để những vấn đề trên?
- Vấn đề DHTT nếu Nhà nước và ngành giáo dục can thiệp không khéo dễ gây hiểu lầm vì đó là quyền học tập của mỗi người nên cần có những định hướng chính xác lâu dài. Bản thân ngành giáo dục phải nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, cải thiện môi trường học tập, giáo trình học tập phải chuyên sâu chứ không dàn trải quá nhiều môn đại cương như hiện nay thì tức khắc sẽ hút những sinh viên tài năng và giữ chân học sinh mới tốt nghiệp ở lại. Nếu môi trường giáo dục đạt chuẩn thì vấn nạn “chảy máu ngoại tệ” và “chảy máu chất xám” của du học sinh không còn là vấn đề đáng lo nữa.
Mặt khác, cả xã hội cũng cần chung tay góp sức để thu hút nhân tài trở về quê hương làm việc. Nếu chúng ta có môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương cao để những du học sinh đi học tập ở nước ngoài trở về có “đất dụng võ” và có cơ hội phát triển chuyên môn thì chúng ta sẽ có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao./.
Văn Thiện - Hoàng Hà (thực hiện)