Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 13/10/2012 15:1'(GMT+7)

Cần nhận thức đúng về vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Đây là một trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai và Ngày Quản lý thiên tai của ASEAN (13/10) năm nay, có chủ đề “Phụ nữ và trẻ em gái-những lực lượng quan trọng để hồi phục ứng phó”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã khẳng định sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hội nghị cũng đã được nghe những chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai tại gia đình và cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị: “Phụ nữ chính là người làm những công gia đình để chuẩn bị giảm nhẹ rủi ro khi mùa mưa bão đến, như: tích trữ lương thực, nước uống; tham gia thu hoạch nông sản sớm; gói ghém đồ đạc; tìm nơi cất giữ an toàn các tài sản có giá trị của gia đình; lên kế hoạch sơ tán khi cần thiết…”.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, hiện nay do nhận thức thiếu đầy đủ về vai trò giới trong biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, nên phụ nữ thường được coi là nạn nhân, chứ chưa phải là tác nhân tích cực trong phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, do vừa đảm nhận vai trò “kép” trong hoạt động sản xuất và tái sản xuất, nên phụ nữ ít có thời gian để học hỏi kỹ năng và nâng cao nhận thức nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai.

“Thay mặt Hội LHPN Việt Nam, tôi chính thức đề nghị đưa các cấp Hội LHPN Việt Nam thành thành viên chính thức trong các Ủy ban và Ban Phòng chống lụt bão các cấp”, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết đề xuất tại hội nghị.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ, cũng đưa ra hội nghị 3 gợi ý, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Theo bà, trước hết cần tập trung một phần hỗ trợ thích đáng, để hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái các kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với rủi ro thiên tai, từ lúc lập kế hoạch và phòng ngừa, cho đến việc phục hồi lâu dài và phát triển; tiếp đó, các nguyên tắc về bình đẳng giới cần đươc thể hiện đầy đủ trong dự thảo luật tới đây về quản lý rủi ro thiên tai. Ngoài ra, Hội phụ nữ Việt Nam và các cơ quan tổ chức đại diện cho phụ nữ cần tích cực và chính thức đóng vai trò nhất định trong công tác quản lý rủi ro thiên tai.

Tại Hội nghị, bà Madhavi Malalgoda Ariyabandu, đại diện của Cơ quan Chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai của LHQ (UNISDR) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có bài phát biểu quan trọng- “Hãy ghi nhận sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái trong giảm nhẹ rủi ro”. Bà Madhavi Malalgoda Ariyabandu khẳng định: “Phụ nữ là các nhà hoạt động, là cán bộ công tác xã hội, là những người xây dựng pháp luật, là những tấm gương, những người lãnh đạo cộng đồng, những giáo viên và những người mẹ. Họ có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai và trong quá trình thích nghi với biến đổi khí hậu, giúp tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng và giảm thiểu tác động của thiên tai”.

Bà Madhavi Malalgoda Ariyabandu, phát biểu tại Hội nghị

Chị Tuyến, sống tại Thanh Hóa, có nhà bị tàn phá nặng nề trong một cơn bão năm 2004. Sau đó, được tham gia Dự án Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, chị đã học được nhiều điều về những việc có thể làm trước, trong và sau lụt bão để làm chủ cuộc sống của mình. Chị cùng với Hội phụ nữ xã, tổ chức 18 buổi truyền thông cho các phụ nữ trong 9 thôn thuộc xã mình. Nhờ vậy, năm 2011, bão số 2 đổ bộ vào xã chị Tuyến, những kiến thức được trang bị từ Dự án đã giúp người dân phòng tránh bão hiệu quả, không có thiệt hại về người, không có nhà cửa bị hư hỏng.

Câu chuyện nêu trên được bà Natalia Tapies, Phó Giám đốc phụ trách Chương trình CARE Quốc tế tại Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị.

Bà Natalia Tapies nhấn mạnh, ở Việt Nam, phụ nữ thường chỉ được nhìn nhận như “nạn nhân” và không phải là nhân tố quan trọng trong những nỗ lực phòng ngừa, phục hồi sau thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ thực tế này, cần phải thay đổi nhận thức để nhìn nhận đúng về thế mạnh của phụ nữ và trẻ em gái trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và nhận thức này nên được thể hiện rõ, để đưa vào các chính sách và việc thực hiện các chương trình quản lý rủi ro thiên tai.

“Hãy khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của phụ nữ và của Hội LHPN Việt Nam trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các cấp, trong các cơ quan liên quan của Chính phủ, các sở, ban, ngành, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự”, bà Natalia Tapies phát biểu./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất