(TG) - Chính vì sự chậm trễ trong quá trình đưa ra xét xử, nên nhiều trường hợp, đương sự trong khi chờ đợi đã nôn nóng mà có những hành động để lại hậu quả đáng tiếc, như gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến người khác và chính bản thân mình... Trường hợp này thường xảy ra đối với các vụ án tranh chấp, khiếu kiện tài sản lớn...
Ở nước ta việc chậm đưa các vụ án ra xét xử là khá phổ biến, điển hình như vụ kiện đình đám 55 triệu đô la ở thành phố Hồ Chí Minh từ khi thụ lý đến khi đưa ra xét xử gần 4 năm trời, thậm chí có vụ án hàng chục năm xét xử vẫn chưa xong. Nhiều vụ án sau thời gian chuẩn bị rất dài nhưng đến khi đưa ra xét xử thì... lại hoãn. Đó là chưa kể đến quá trình thi hành án trong các vụ việc dân sự hoặc hình sự nhưng có phần liên quan đến dân sự cũng bị kéo dài. Điều này gây bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với hệ thống pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Do đa số các vụ án ở nhiều nơi thường được giải quyết theo kiểu "án tại hồ sơ", "án bỏ túi", ít dành thời gian cho tranh tụng, nên việc thụ lý, giải quyết án theo thủ tục tố tụng thường khép kín trước khi đưa ra xét xử. Các vụ án được thụ lý điều tra ở cơ quan điều tra sau đó chuyển sang Viện kiểm sát xem xét ra cáo trạng, rồi mới đến Toà án để đưa vụ án ra xét sử. Việc xem xét đưa hay chưa đưa ra xét xử là một quá trình dài, chưa kể là việc nhiều vụ án hồ sơ bị trả đi, trả lại để điều tra bổ sung.
Có thể khẳng định việc chậm đưa các vụ án ra xét xử sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là các đương sự, bị can, bị cáo và gia đình của họ, nhất là trong các vụ án hình sự. Việc chậm đưa vụ án ra xét xử sẽ tạo điều kiện, cơ hội làm nảy sinh tiêu cực, thậm chí có không ít trường hợp cán cân công lý bị “bẻ cong”. Điều này xuất phát từ thực tiễn, đó là trong bất cứ vụ án nào càng kéo dài thì càng khó giải quyết do việc thu thập, bảo vệ chứng cứ, nhân chứng, vật chứng khó khăn, thậm chí nhiều vụ án còn bị làm sai lệch hồ sơ. Bên cạnh đó, việc kéo dài vụ án, chậm đưa ra xét xử sẽ làm cho vấn đề của vụ án thêm rối, phức tạp do tác động của các tổ chức, cá nhân trong việc điều tra, truy tố, xét xử.
Chính vì sự chậm trễ trong quá trình đưa ra xét xử, nên nhiều trường hợp, đương sự trong khi chờ đợi đã nôn nóng mà có những hành động để lại hậu quả đáng tiếc, như gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến người khác và chính bản thân mình... Trường hợp này thường xảy ra đối với các vụ án tranh chấp, khiếu kiện tài sản lớn hoặc vụ án vì chậm giải quyết, xét xử mà khánh kiệt gia tài hoặc dẫn đến vi phạm pháp luật.
Thiết nghĩ, để đảm bảo tốt hơn quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp thì cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết các vụ án, vụ việc của các cơ quan liên quan nhằm thực hiện nghiêm việc đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn quy định.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy trình tố tụng của các cơ quan chức năng. Đặc biệt là việc chấp hành thời hạn thụ lý, giải quyết các vụ án, quy định về thời hạn tối đa việc đưa vụ án ra xét xử, nhất là các vụ án trọng điểm nhằm chấm dứt tình trạng chậm trễ, kéo dài việc giải quyết các vụ án gây hậu quả tiêu cực cho xã hội đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay./.
Vĩnh Linh