Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; chú trọng đầu tư hệ thống “điện, đường, trường, trạm” tại các vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Tuy nhiên, sự nghiệp “trồng người” ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Những ngày này, hơn 40 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên toàn quốc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) rất tự hào được về thăm thủ đô Hà Nội và tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016, với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Các thầy giáo, cô giáo từ khắp các vùng biển đảo xa xôi, nơi “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc, từ Cà Mau, Kiên Giang, đến Trường Sa (Khánh Hòa), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)… vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT gặp mặt, biểu dương, động viên; được tuyên dương trang trọng và đón nhận những phần thưởng, quà tặng ý nghĩa...
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” giai đoạn 2015-2019, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long triển khai thực hiện, qua 2 năm (2015-2016) đã tuyên dương hơn 100 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các trường học, điểm trường lẻ thuộc 64 huyện nghèo và các huyện đảo, xã đảo. Đây thực sự là một hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh công lao, cống hiến của những thầy giáo, cô giáo đã bền bỉ, thầm lặng “gieo mầm” tri thức, nâng cao dân trí cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn...
Thật đáng khâm phục và trân trọng tấm gương các thầy giáo, cô giáo hàng chục năm liền gắn bó với biển đảo tiền tiêu-nơi khó khăn, gian khổ, xa xôi nhất của Tổ quốc, nhưng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Có những thầy cô đã ngoài 50 tuổi, gần như cả cuộc đời gắn bó với trường lớp nơi đảo xa gian khó, nhưng vẫn cảm nhận đủ đầy niềm hạnh phúc được cống hiến, sẻ chia.
Vẫn biết, đến với hải đảo xa xôi là phải chấp nhận thiệt thòi, gian khổ, hiểm nguy, thậm chí gác lại hạnh phúc riêng tư, nhưng nhiều thầy giáo, cô giáo đã không hề so đo tính toán, xung phong ra đảo, gắn bó với đảo, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đó thực sự là những gương sáng, điển hình tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Hai tốt”, thi đua yêu nước, bởi trong điều kiện, hoàn cảnh còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhiều năm liền, các thầy cô vẫn đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Nhà giáo tiêu biểu”, “Chiến sĩ thi đua”, “Lao động xuất sắc”... Họ còn là những tổng phụ trách Đội giỏi, những nhà giáo có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay được nhân rộng; tạo được chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục, có nhiều học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi, hội thi…, được học sinh, phụ huynh và xã hội yêu mến, ghi nhận.
Để bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên giới, hải đảo, cùng với cán bộ, chiến sĩ nơi “tuyến đầu”, còn có sự đóng góp xứng đáng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo không quản ngại gian lao, vất vả bám bản, bám đảo, cống hiến tuổi thanh xuân, với tinh thần của những “người lính”, những “chiến sĩ văn hóa”. Nơi đây, các thầy cô không chỉ dạy chữ, dạy người, mà còn cùng gia đình, đoàn thể chăm lo từ cái ăn, cái mặc, cuốn vở, cây bút cho học trò; đồng thời thấu hiểu, sẻ chia với cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây, để cùng gia đình kiên trì vận động, nâng bước các em tới trường.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; chú trọng đầu tư hệ thống “điện, đường, trường, trạm” tại các vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Tuy nhiên, sự nghiệp “trồng người” ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, ngành giáo dục các cấp cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cho các thầy cô có nhiều năm công tác, gắn bó với nơi biên cương, biển đảo; thực hiện tốt hơn việc luân chuyển công tác, vừa bảo đảm sự công bằng, vừa tạo động lực cho các thầy giáo, cô giáo phấn đấu, vươn lên.
Mong rằng, không chỉ Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, mà chính quyền, đoàn thể, ngành giáo dục các cấp; các nhà trường, thầy cô và học sinh ở các vùng đồng bằng, đô thị ít khó khăn hơn hãy đồng cảm, sẻ chia, chung tay góp sức giúp đỡ các thầy giáo, cô giáo, học sinh ở vùng biên giới, hải đảo, địa bàn gian khó một cách thiết thực. Tinh thần “nhà giáo tình nguyện”, “chiến sĩ văn hóa” cần tiếp tục được khơi dậy, nhân lên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, để có thêm nhiều thầy giáo, cô giáo trẻ xung phong, tình nguyện đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, nâng cao dân trí cho người dân nơi tiền tiêu Tổ quốc./.
Anh Quân (QĐND)