Thứ Sáu, 20/9/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 26/4/2019 8:45'(GMT+7)

Cần nỗ lực thay đổi nhận thức về học nghề

Theo GS.TS Lê Quân- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, sau THCS học sinh có rất nhiều lựa chọn. Các em có thể tiếp tục học văn hóa theo hướng THPT nhưng cũng có thể kết hợp học văn hóa với học nghề… Hướng đi nào cũng trang bị cho các em kỹ năng và năng lực để gia nhập thị trường lao động.

Trong đó, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học TC với thời gian đào tạo là 3 năm. Ra trường vừa có bằng TC nghề và giấy chứng nhận văn hóa. Đồng thời các em cũng có thể lựa chọn học hệ liên thông CĐ với chương trình đào tạo là 4 năm, vừa học văn hóa, vừa học chương trình TC và liên thông CĐ.

Ưu điểm của lựa chọn này là khi 19 tuổi, các em có thể có bằng CĐ và gia nhập thị trường lao động, trở thành những người thợ lành nghề hoặc học tiếp lên ĐH. Xét trong bối cảnh mới, ngoài dạy chữ, học sinh còn cần phải được chú trọng trang bị kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập xã hội, kỹ năng học tập, làm việc để có thể có việc làm tốt thì những lựa chọn như trên là một hướng đi có thể cân nhắc.

Theo GS.TS Lê Quân, sắp tới Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được thông qua. Trong đó cho phép các trường TC, CĐ được tổ chức đào tạo văn hóa, cấp giấy chứng nhận trình độ văn hóa cho người học ngay trong một môi trường đạo tạo, vừa học nghề, vừa học văn hóa. Khi đó, học văn hóa sẽ trở thành nội dung song song trong chương trình dạy nghề mà không còn tách biệt như trước. Để đảm bảo rằng, người học bên cạnh kỹ năng nghề sẽ được trang bị kiến thức về văn hóa, đủ điều kiện liên thông lên các bậc học cao hơn. 

Kết quả khảo sát tình hình phân luồng học sinh sau THCS năm học 2017-2018 do Bộ GDĐT công bố cho thấy, có tới 79,6% học sinh học lên THPT; 5,6% học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), 7,8% học các trường nghề và 4,6% đi làm. Như tại Hà Nội, những năm gần đây, nhiều trung tâm GDNN-GDTX chỉ tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30%.

Dẫu thế, hiện việc thay đổi nhận thức của xã hội, trong đó có các bậc phụ huynh về việc học văn hóa, học nghề… vẫn còn là bài toán khó của nhiều địa phương, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành giáo dục mà còn từ thực tế những ngành nghề này được coi trọng và trả lương xứng đáng. /.

TH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất