Là một trong những nhà khoa học tham gia vào nhiều hội đồng thẩm định, đánh giá các công trình xử lý rác thải, GS. TSKH Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường đã trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những công nghệ xử lý rác thải phù hợp nhất với Việt Nam và các giải pháp để sử dụng hiệu quả các công nghệ này.
Xin bà cho biết, hiện tại những công nghệ xử lý rác nào đang được áp dụng tại Việt Nam?
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi: Tại Việt Nam, hiện nay đang sử dụng 3 công nghệ chủ yếu để xử lý rác. Phổ biến nhất là chôn lấp truyền thống và chôn lấp hợp vệ sinh, hiện có hơn 450 bãi chôn lấp có diện tích lớn hơn 1 ha, số lượng những bãi chôn lấp nhỏ hơn 1 ha thì không thể thống kê hết được.
Công nghệ thứ hai là công nghệ đốt, làm giảm thể tích của rác, hướng đến việc giảm thiểu chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Hiện, có khoảng 285 lò đốt các loại, trong đó 76% là lò đốt có quy mô cấp xã, phường, công suất thấp hơn 5 tấn/ngày, mới chỉ có 21 lò đốt có công suất trên 50 tấn/ngày.
Thứ ba là công nghệ tái tạo điện sạch và làm phân vi sinh từ những thành phần hữu cơ có trong rác thải bằng phương pháp nhiệt phân, khí hóa. Đây là công nghệ mới của Việt Nam đã được đo kiểm, liên bộ Khoa học và Công nghệ-Tài nguyên và Môi trường công nhận. Tuy nhiên công nghệ này hiện mới chỉ có một nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thành và cần phải kiểm chứng.
Có một thực tế đáng buồn là rác tại Việt Nam không được phân loại tại nguồn nên việc áp dụng các công nghệ hiện đại gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, sản xuất phân vi sinh từ rác không đạt yêu cầu, không thể sử dụng bón cho cây ăn quả, chỉ sử dụng được trong lâm nghiệp. Tuy nhiên, lại vấp phải một khó khăn là chi phí vận chuyển phân vi sinh từ rác để dùng cho lâm nghiệp rất cao. Trước đây, đã có đề án xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh từ rác tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn nhưng sau khi tính toán chi phí vận chuyển rất tốn kém nên dự án đã không thực hiện được.
Theo bà, với thực tế đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay, công nghệ nào là phù hợp và dễ áp dụng vào thực tế nhất?
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi: Với thực tế hiện nay, cần khuyến khích áp dụng các công nghệ mới trong xử lý rác thải. Tuy nhiên, phải đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể và có sự thẩm định kỹ càng bởi mỗi công nghệ lại phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương khác nhau. Ví dụ như ở các đô thị, vùng đồng bằng, ven biển diện tích đất để chôn lấp hợp vệ sinh không có, cần áp dụng phương pháp đốt. Còn với vùng núi, vùng sâu, vùng xa lại phù hợp với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ nào cũng phải tính toán đến thành phần của rác. Rác chứa chất hữu cơ cao có thể tận dụng làm phân bón, rác tại các đô thị có thành phần khó phân hủy nhiều, nhựa, túi nilong thì đưa vào đốt. Một số công nghệ đã được áp dụng khá thành công như xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt. Quy trình công nghệ này giúp giảm chi phí xử lý rác khi sử dụng ít nhiên liệu phụ trợ hơn, nhờ biện pháp loại bỏ các thành phần rác không cháy, ủ và sấy để giảm độ ẩm của rác trước khi đốt. Trong quá trình phân loại và sấy rác, có sử dụng thiết bị thu gom khí đưa vào lò đốt, để giảm phát thải mùi hôi ra môi trường.
Hay như phương pháp đốt rác phát điện đang được áp dụng tại Cần Thơ, nếu khắc phục được lượng tro bay phát sinh thì sẽ có hiệu quả, phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, muốn nhân rộng phương pháp này vẫn cần chú trọng nhất khâu phân loại rác tại nguồn. Bởi lẽ, để phát điện được từ đốt rác, đòi hỏi nhiệt trị của rác phải rất cao. Trong khi đó, rác không được phân loại, có độ ẩm cao cộng thêm với khí hậu Việt Nam ẩm, nồm sẽ không thể đạt đủ nhiệt trị để phát điện.
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Việt Nam khó áp dụng thành công những công nghệ tiên tiến là do chúng ta không phân loại rác ngay từ đầu vào. Ở các nước, họ có 3 thậm chí là 5 thùng rác để người dân phân loại. Do đó, nhựa và nilon sẽ được lọc riêng để tái chế và họ chỉ chôn lấp hoặc đốt các loại rác còn lại.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần cho phép cạnh tranh về công nghệ xử lý rác thải, bà nghĩ sao về vấn đề này?
GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi: Tôi ủng hộ quan điểm cần cạnh tranh để địa phương có thể lựa chọn công nghệ xử lý hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất và phù hợp với nhu cầu nhất. Theo tôi biết các tỉnh luôn có vài chục hồ sơ đăng ký đầu tư với các công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, việc này khiến các địa phương rất lúng túng vì không biết chọn loại công nghệ nào.
Tôi đã được mời tham gia nhiều hội đồng thẩm định để xét duyệt hồ sơ và nhận thấy rằng công nghệ có thể rất hiện đại nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì không thành công. Có tình trạng, ở nhiều nơi rác xử lý không đúng quy chuẩn khiến ô nhiễm môi trường, nhưng có nhà đầu tư muốn thử nghiệm công nghệ mới lại không được vì địa phương đã ký hợp đồng trọn gói.
Theo tôi nên cạnh tranh để khuyến khích phát triển công nghệ mới. Các nhà đầu tư với các công nghệ khác nhau được tham gia cạnh tranh thông qua một hội đồng thẩm định, với các hồ sơ chưa có nhà máy thì phải cho chạy thử trên nền rác thực tế của Việt Nam.
Nhiều khu xử lý rác thải ở các tỉnh, thành đang trở thành điểm nóng xã hội do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân địa phương khiếu kiện, thậm chí tập trung đông người chặn xe chở rác vào bãi. Làm thế nào để khắc phục “nghịch lý” này thưa bà?
GS. TSKH Đặng Thị Kim Chi: Tôi cho rằng, để khắc phục vấn đề này cần xem xét lại 2 yếu tố là: Địa điểm lựa chọn xây dựng khu xử lý rác thải và công nghệ đang dùng để xử lý. Có một thực tế là địa điểm lựa chọn ban đầu của nhiều khu xử lý có đáp ứng quy chuẩn đề ra như cách khu dân cư tối thiểu 500 m để tránh gây ô nhiễm nhưng theo thời gian, người dân lấn chiếm, sinh sống gần vào khu xử lý rác.
Vấn đề thứ hai là về công nghệ, công nghệ chôn lấp phải hợp vệ sinh, có che chắn kỹ càng; lò đốt phải có hệ thống xử lý khí thải, khâu thu gom ban đầu cũng cần được chú trọng, không để rơi vãi, phát sinh ra nước rác.
Bên cạnh việc quản lý, khảo sát lại địa hình, hiện trạng thì bài toán về hệ thống xử lý chất thải hiệu suất tốt, sự tối ưu của các hệ thống xử lý nước thải, chất độc hại phải được giải thì mới khắc phục được “nghịch lý” kể trên.
Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu: Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng. Theo bà, cần những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này?
GS. TSKH Đặng Thị Kim Chi: Theo tôi, đề có thể quản lý rác thải hiệu quả, bền vững cần phải xem rác thải là nguồn tài nguyên, tức là phải quản lý, khai thác và đem lại lợi ích cho xã hội, không làm tốn kém ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn tới, cần ưu tiên công nghệ tái chế đạt các tiêu chí: môi trường - kinh tế - xã hội. Theo đó, không tạo thành sản phẩm phụ có tính nguy hại, độc hại cao hơn và bảo đảm các nguồn phát thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn, bùn thải) đạt quy chuẩn môi trường; tái sinh năng lượng hoặc tiêu thụ năng lượng thấp nhất.
Các công nghệ xử lý rác thải cần được khuyến khích áp dụng và kêu gọi đầu tư theo thứ tự: sản xuất phân compost và chế biến phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân vi sinh; đốt kết hợp tái sinh năng, tái chế tro thành vật liệu xây dựng và tái sử dụng kim loại; sản xuất khí đốt hoặc thanh đốt; cuối cùng là chôn lấp hợp vệ sinh.
Một vấn đề cấp thiết nữa là cần đưa ra quy định cụ thể về phân loại rác tại nguồn để người dân tuân thủ. Có thể đưa ra chế tài cụ thể, nếu người dân không phân loại, sẽ phải trả phí rác thải cao. Còn ngược lại, người dân phân loại tốt sẽ được giảm hoặc miễn phí rác thải.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cũng là một giải pháp quan trọng. Tôi cho rằng, cần đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân những bài học cụ thể hơn nữa về phân loại rác, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ nhỏ cho học sinh. Thay đổi nhận thức mới có thể thay đổi hành động, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.
Thu Cúc/Chinhphu.vn