Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 21/4/2019 15:1'(GMT+7)

Phụ nữ Ðà Nẵng chung tay giảm rác thải nhựa

Hội viên Chi hội Thành Vinh 4, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà thu gom rác đã phân loại.

Hội viên Chi hội Thành Vinh 4, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà thu gom rác đã phân loại.

Hoạt động thu gom rác thải tại nguồn được hầu hết các chi hội phụ nữ trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện với nhiều cách gọi như Nhóm Sống xanh; thu gom, xử lý rác thải tại gia đình; "3S - 2T"... Các chi hội đã vận động mỗi chị em hội viên thu gom các loại rác có thể tái sử dụng như nhựa, giấy, bìa các-tông, lon nước… để cuối mỗi tuần hoặc mỗi tháng sẽ được thu gom về bán gây quỹ hoặc đổi lấy rau sạch. Với số tiền thu được qua bán phế liệu, chi hội sử dụng để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế, làm học bổng tặng học sinh trong khu vực…

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là phụ nữ đơn thân, lại không may bị tai nạn mất sức lao động, với thu nhập bấp bênh từ làm thuê không đủ để mẹ con trang trải cuộc sống. Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 đã hỗ trợ chị tám triệu đồng tiền quỹ của chi hội từ hoạt động thu gom rác để mua xe bánh mì làm kinh tế. Nhờ đó, công việc ổn định hơn, cuộc sống mẹ con chị Hồng Vân cũng vơi bớt khó khăn. Chị Vân chia sẻ: Nhờ sự quan tâm từ chị em trong chi hội và phường Thọ Quang, nhất là bố trí cho chị buôn bán nơi gần trường học, đông dân cư cho nên cuộc sống gia đình có thu nhập ổn định hơn. Ðó cũng là điều kiện để chị Vân tham gia mô hình phân loại rác hằng ngày, cùng chị em hội viên đóng góp phần nhỏ bé hỗ trợ thêm cho nhiều trường hợp khác.

 

Tại phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), mô hình phân loại rác cũng được triển khai rộng khắp và được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Chị Trần Thị Duy Lan, Chi hội trưởng Phụ nữ 17, phường Hòa An, cho biết: Việc thu gom rác thải được chi hội chúng tôi triển khai từ năm 2018 đến nay. Qua đó, góp phần hỗ trợ những chị em phụ nữ nghèo trong chi hội mỗi tháng 300 nghìn đồng, mua thêm sách vở cho các cháu thuộc các hộ nghèo đi học… Ðây là hoạt động hữu ích lại phù hợp chị em cho nên hội viên nào cũng hào hứng tham gia.

 

Giữa năm 2018, quận Thanh Khê phối hợp Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng thực hiện dự án "Ðại dương không nhựa", trong đó triển khai chương trình nâng cao nhận thức và thực hiện các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt, thực hiện điểm tại phường Xuân Hà. Ðến tháng 11-2018, chương trình nhân rộng ra ba phường Thanh Khê Ðông, Vĩnh Trung và Tân Chính. Triển khai dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê đã tuyên truyền, vận động tiểu thương tại các chợ sử dụng túi ni-lông thân thiện với môi trường. Hội Phụ nữ 10 phường đã tổ chức các buổi tuyên truyền tại 11 điểm chợ, khu dân cư về tác hại của túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, từ đó vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt hằng ngày, thay thế bằng túi ni-lông tự hủy sinh học.

 

Ðến nay, 100% số tiểu thương chợ Tam Thuận (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) và người tiêu dùng ở đây đều đã thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông thông thường sang túi ni-lông tự hủy. Chị Hồng chủ quầy rau củ quả Hồng Vĩnh đã sử dụng hoàn toàn ni-lông tự hủy để gói hàng cho khách. Túi ni-lông tự hủy hiện có giá từ 40 nghìn đồng/kg nhưng nhờ được sự trợ giá của chính quyền địa phương, giá đã giảm xuống còn 25 nghìn đồng/kg. Tính đến hết năm 2018, tổng lượng túi ni-lông thân thiện môi trường cung cấp ra 11 chợ trên địa bàn quận là 9.489 kg.

 

Nhiều mô hình thiết thực khác cũng được các hội phụ nữ triển khai như làm ống bút cho học sinh làm từ chai nhựa và bìa các-tông tại phường Thọ Quang (Sơn Trà); sử dụng ống hút bằng tre thay thế ống hút nhựa tại các quán cà-phê thuộc phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ); mỗi tháng một lần đổi rác thải nhựa lấy rau sạch, hạt giống, đồ dùng học tập, bình thủy tinh… tại phường Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu); phát giỏ nhựa, túi sinh thái để đi chợ tại phường Tân Chính (quận Thanh Khê)…

 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Ðà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Những mô hình của các chị em đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thải rác nhựa ra môi trường. Ðồng thời là những tấm gương để tuyên truyền đến nhiều người dân trong thành phố cùng hưởng ứng tham gia. Những mô hình hay sẽ được nhân rộng, qua đó cùng chung tay vào xây dựng thành phố xanh vì môi trường./.

 

Thanh Tâm/Nhân dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất