Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 18/7/2016 15:43'(GMT+7)

Cần quản lý việc dạy thêm, học thêm một cách khoa học

Ông Đào Trọng Thi

Ông Đào Trọng Thi


Phóng viên (PV): Lâu nay, vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn luôn tồn tại những luồng ý kiến trái chiều. Theo giáo sư, việc cấm triệt để dạy thêm, học thêm trong năm học tới của TP Hồ Chí Minh liệu có thực hiện được?

GS, TSKH Đào Trọng Thi: Tôi không cho rằng dạy thêm, học thêm là xấu, mà ngược lại nó có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, chúng ta phải phân tích được việc học thêm có phải là nhu cầu thực sự và mang lại hiệu quả cho xã hội hay không, cuối cùng lựa chọn được một phương pháp có tính khả thi nhất để cân bằng, đáp ứng giữa nhu cầu cuộc sống và bảo đảm chất lượng giáo dục. Thực tế, trong một lớp học, mỗi học sinh lại có một năng lực và sở trường khác nhau. Đối với em có học lực trung bình, không đủ sức tiếp nhận nội dung học với thời gian ít ỏi trên lớp thì việc học thêm, tăng cường, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng ngoài giờ là rất cần thiết. Hay đôi khi, mục đích của việc cho con đi học thêm chỉ là để có chỗ quản lý trông nom con cái. Thế nên, theo quan điểm của tôi, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều giáo viên và nhiều bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, chúng ta phải kiểm soát kỹ việc dạy thêm, học thêm bởi nếu không quản lý tốt thì sẽ xảy ra nhiều mặt trái, tiêu cực, biến tướng như việc bắt ép học sinh đi học thêm, không đi thì bị cô thầy “trù dập” vẫn đang tồn tại gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận thời gian qua. Phân tích như vậy để thấy rằng, chúng ta nên tìm biện pháp khắc phục, ngăn chặn những mặt trái, phát huy các ưu điểm của việc dạy thêm, học thêm chứ không phải cứ cấm dạy thêm, học thêm là giải pháp tốt. Nếu cấm dạy thêm, học thêm nhưng xã hội vẫn cần thì chắc chắn sẽ dẫn đến hành động “chui” thì lúc ấy mặt trái lại càng "hoành hành", càng khó quản lý. Tôi cho rằng, vấn đề này cần phải xem xét thận trọng, khách quan từ nhiều khía cạnh.

 

PV: Một trong những lý do khiến việc dạy thêm tràn lan khó kiểm soát đó là đồng lương nghề giáo còn thấp. Theo giáo sư, nếu lương giáo viên tăng thì có giảm tải được tình trạng này?

GS, TSKH Đào Trọng Thi: Tôi cũng cho rằng, đây chính là vấn đề khá nan giải của ngành giáo dục. Hiện nay, đồng lương của nghề giáo chưa đủ để bảo đảm cuộc sống nên buộc họ phải dạy thêm để tăng thu nhập. Với những giáo viên nghiêm túc, họ vẫn sẽ dạy dỗ học sinh tốt để có đồng lương xứng đáng. Còn một số giáo viên lợi dụng, biến tướng việc dạy thêm để tạo áp lực lên phụ huynh, ép học sinh phải đi học thêm. Trong tương lai, nếu đời sống của nghề giáo ổn định hơn thì tôi tin rằng, lúc ấy dạy thêm, học thêm sẽ không còn là một vấn nạn nhức nhối như hiện nay.

PV: Để giảm áp lực cho học sinh, ở bậc tiểu học hiện nay đã không còn chấm điểm. Nhưng trong khi nới lỏng ở đầu cấp thì phần thi vào cuối cấp-nhất là cấp THPT lại khó khăn chẳng kém gì thi đại học. Điều này càng khiến các bậc phụ huynh phải lựa chọn cho con đi học thêm ở giáo viên giỏi có tiếng. Giáo sư có cho rằng, liệu đây là một bất cập của ngành giáo dục?

GS, TSKH Đào Trọng Thi: Tôi khẳng định chủ trương không chấm điểm tiểu học là đúng, phù hợp với phương pháp giáo dục hiện đại, nhưng do chúng ta nhận thức chưa đúng đắn nên triển khai vội vàng mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo một lộ trình bài bản dẫn đến việc thực hiện có nhiều điều không phù hợp. Các học sinh thiếu sự chuyển tiếp từ quá trình không cho điểm ở cấp tiểu học đến quá trình chấm điểm ở cấp THCS, nên nhiều em bị hổng kiến thức khi lên cấp THPT.

 
 
Trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, nhiều phụ huynh và học sinh có mong muốn được học thêm để củng cố kiến thức. Trong ảnh: Học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10, tháng 6-2016 tại Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: MINH DƯƠNG.
Còn chương trình càng lên cao yêu cầu càng cao hơn là điều tất nhiên. Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay cánh cửa vào đại học rất hẹp, nhất là để vào được các trường đại học nổi tiếng. Chỉ khi nào khoảng cách giữa chương trình học phổ thông và yêu cầu vào đại học được rút ngắn lại thì sẽ giải quyết được nạn dạy thêm, học thêm. Nhưng tôi cho rằng, không thể nói đơn giản như vậy được. Chương trình học phổ thông chỉ mang tính phổ cập, phổ biến, ngay cả những em có sức học trung bình cũng có thể hoàn thành. Nhưng không phải em nào tốt nghiệp phổ thông là có thể học được đại học. Nhìn vào đề thi các môn thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua, bên cạnh những câu hỏi trung bình cũng có những câu hỏi khó hơn để phân loại học sinh có khả năng thực sự để theo học đại học. Và nếu các em muốn đạt mục tiêu vào các trường đại học như mong muốn thì các em vẫn cần phải học thêm để có kiến thức cao hơn phổ thông. Nên tôi nhắc lại, dạy thêm, học thêm là nhu cầu cần có và chính đáng của xã hội.

PV: Vậy theo giáo sư, đâu là phần gốc để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay?

GS, TSKH Đào Trọng Thi: Mấu chốt dẫn đến tiêu cực nảy sinh của việc dạy thêm, học thêm chính là do sơ hở của Bộ GD&ĐT khi quy định nhà trường chỉ tổ chức dạy thêm, học thêm, tự quản lý học sinh trong chính trường của mình. Vì vậy mới dẫn đến tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm như tôi đã nói ở trên. Tôi cho rằng, phải tách bạch việc dạy thêm, học thêm với việc tổ chức học thêm tại nhà trường. Việc tách bạch này cần kết hợp với việc giải quyết tăng thu nhập cho giáo viên để làm sao bảo đảm học sinh vẫn được học và thầy cô giáo vẫn được tham gia giảng dạy để tăng thu nhập chính đáng cho cá nhân.

Các cơ sở dạy thêm, học thêm phải là các cơ sở độc lập có giáo trình học được cơ quan nhà nước thẩm định, cho phép thực hiện với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Việc dạy thêm, học thêm chỉ mang tính chất bổ sung chương trình phổ thông, nhưng không được tự thay cho thời gian tự học ở nhà của học sinh. Trước mắt, có thể chấp nhận cho các thầy cô giáo ở các trường công lập có thể dạy thêm ở các trung tâm. Điều này sẽ hạn chế việc thầy cô mang chương trình nhà trường ra dạy thêm, giảm thiểu việc thầy cô lạm dụng, áp đặt với các em, gây nên áp lực phải học thêm từ chính thầy cô của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

NGUYỄN HOÀI/QĐND (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất