Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 4/9/2016 17:15'(GMT+7)

Cần sự chung tay của chính quyền và người dân

* 70% di tích cần trùng tu, tôn tạo

Ninh Bình là tỉnh nằm ở Nam Đồng bằng Bắc Bộ với địa hình vừa có đồng bằng, vùng đồi núi, lại vừa có song, biển. Ở từng khu vực địa lý hành chính đều dày đặc các dấu ấn văn hóa truyền thống được thể hiện ở các công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng mộ, từ đường, các làng nghề thủ công truyền thống… và những phong tục, tập quán, lễ hội dân gian. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích, trong đó có 229 đình, 381 đền, 301 ngôi chùa, 51 phủ, 98 miếu, 236 nhà thờ họ, 149 nhà thờ đạo và 54 di tích khác (núi, hang động, bia, cầu) được phân bố đều khắp 146 xã, phường, thị trấn. Từ năm 1962, tỉnh Ninh Bình đã có di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 329 di tích đã được xếp hang, bao gồm 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động) và 250 di tích cấp tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, các di tích đều có niên đại lâu năm, thường là trên 100 năm, nhiều di tích có niên đại tới 600-700 năm. Qua khảo sát, hiện nay 70% số di tích trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng hư hỏng, nhiều di tích hư hỏng nặng cần được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp.

Nằm trên địa bàn xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Đình Vân Thị có niên đại 340 năm và là nơi thờ thành hoàng làng - tướng quân Tô Hiến Thành. Tọa lạc trên khu đất rộng 4.000m2, Đình Vân Thị được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005. Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục trong đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả các cây cột chống phía trong đình bị mối ăn rỗng ruột, mái ngói vỡ, lệch, khiến mỗi khi trời mưa nước ngấm, dột, gây ảnh hưởng đến các hạng mục phía trong đình. Không chỉ có vậy, tường gạch hơn 300 năm hiện đã bị bong tróc, có chỗ bị nứt toác thành vệt dài và nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.


Xót xa trước cảnh Đình Vân Thị bị hư hỏng nặng nề theo thời gian, ông Phạm Trung Đức, Phó ban Quản lý di tích Đình Vân Thị chia sẻ: “Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, đình được trùng tu, tôn tạo lần đầu vào năm 2005 từ nguồn kinh phí do người dân đóng góp và lần 2 năm 2007 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do lịch sử hình thành lâu đời, lại trải qua nhiều biến cố, đến nay đình bị xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ trở thành “phế tích” nếu không được trùng tu, tôn tạo kịp thời”.


Ông Nguyễn Ngọc Lương, Trưởng ban Văn hóa xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, cho biết xã đã lập tờ trình gửi UBND huyện Gia Viễn và tỉnh Ninh Bình đề nghị sửa chữa, trùng tu di tích, song vẫn chưa có “hồi âm”. Hiện nay, việc duy nhất mà Ban Quản lý di tích có thể làm được là thường xuyên chống mối mọt để hạn chế sự xuống cấp của các cột, kèo.

Cùng chung tình trạng với Đình Vân Thị, Đình Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tọa lạc trên khu đất rộng 3.000m2 cũng đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” bất cứ lúc nào do bị hư hỏng nặng. Ông Bùi Hồng Ân, Trưởng ban Quản lý di tích Đình Lá cho biết: “Mỗi năm ở Đình Lá diễn ra 2 lễ hội lớn, thu hút rất đông người dân trong và ngoài thôn, xã đến tham dự. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khi di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ cột, kèo và mái đã bị mối mọt, hư hỏng, Ban quản lý đã phải khuyến cáo người dân hạn chế đến khu vực đình, đặc biệt là tụ tập đông người phía trong đình vì nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Dù người dân cũng đã đóng góp tu sửa lại đình nhiều lần, song do kinh phí sửa chữa quá lớn nên đóng góp của người dân cũng chỉ dừng lại ở việc sửa chữa một phần mái ngói của đình”.

* Đẩy mạnh “xã hội hóa” hoạt động trùng tu, tôn tạo

Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh Ninh Bình có 16 di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2015, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích đã bị cắt giảm, gây khó khăn lớn cho công tác bảo tồn di tích. Ông Trịnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Nguồn ngân sách Trung ương dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có một phần kinh phí dành cho hoạt động tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử giờ không còn, nên chỉ có thể trông chờ vào nguồn ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của tỉnh dành cho việc tu bổ, chống xuống cấp các di tích mỗi năm chỉ có trên 1 tỷ đồng, trong khi toàn tỉnh phải trùng tu ít nhất 20 di tích. Do đó chỉ có thể lựa chọn các di tích có tình trạng đặc biệt mất an toàn, còn lại các di tích khác thì vẫn phải dựa vào nguồn “xã hội hóa” trong nhân dân là chủ yếu”.

Trong vài năm trở lại đây, phong trào “xã hội hóa” các mặt hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đã được các tầng lớp xã hội tham gia hưởng ứng. Nhiều di tích đã nhận được sự đóng góp, công đức của nhân dân. Có nhiều nơi, kinh phí do nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp lên tới hàng tỷ đồng như đền Hành Khiển (xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư) với mức quyên góp là 5 tỷ đồng, đền Thánh Trần (xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình) là 2 tỷ đồng, đình làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) là 2 tỷ đồng, đình Hành Tổng (xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) là 30 tỷ đồng…

Tuy nhiên, hoạt động “xã hội hóa” trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Ninh Bình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; chưa phát huy hết tiềm lực đóng góp to lớn của nhân dân, một số địa phương còn mang nặng tâm lý trông chờ vào Nhà nước. Khi di tích được Nhà nước xếp hạng bị xuống cấp thì trông chờ vào ngân sách Nhà nước hỗ trợ, trong khi đó lại huy động nhân dân đóng góp cho việc tu sửa những công trình chưa được Nhà nước xếp hạng. Việc tu sửa, xây dựng các công trình di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa nhiều khi chưa đảm bảo chuyên môn. Bên cạnh đó, hoạt động đóng góp không đồng đều ở các di tích mà chủ yếu là đối với các di tích liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Trước sự xuống cấp trầm trọng của các di tích, nếu không quan tâm, đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo kịp thời, sớm muộn các di tích lịch sử này sẽ dần mất đi. Tuy nhiên, thiếu kinh phí vẫn là bài toán nan giải và là khó khăn lớn nhất để giải quyết được tình trạng trên. Để giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là việc làm cấp thiết, cần sự chung tay vào cuộc không chỉ của chính quyền, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân./.


Thùy Dung/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất