Thứ Bảy, 26/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 25/8/2016 15:30'(GMT+7)

"Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới'

PGS. TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho tác giả Ấn Độ Geetesh Sharma

PGS. TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho tác giả Ấn Độ Geetesh Sharma

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới'. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày Độc lập Ấn Độ, chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016. Tham dự Hội thảo có gần 250 đại biểu, các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả đến từ các cơ quan Trung ương, các học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển trên một nền tảng vững chắc. Từ khi quan hệ song phương Việt Nam- Ấn Độ được nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hai nước cùng phát triển thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học- công nghệ và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Quan hệ kinh tế đã có bước phát triển đáng kể: Thương mại tăng gấp 5 lần từ 1 tỷ USD năm 2007 lên trên 5 tỷ USD năm 2015; du lịch hai chiều tăng 6 lần từ 20 ngàn lượt năm 2007 lên 120 ngàn lượt năm 2015. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam tăng gần gấp 3 lần, từ khoảng 200 triệu USD năm 2007 lên 570 triệu USD năm 2015.

Nhiều năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nhưng những gì đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Tại hội thảo, các học giả Việt Nam và thế giới luận giải, phân tích sâu sắc bối cảnh mới tác động đến Việt Nam, Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên nhiều bình diện; nguyên nhân, điều kiện phát triển hợp tác; thực trạng, những thành tựu trong hợp tác, những rào cản ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và triển vọng phát triển quan hệ Việt - Ấn trong tình hình mới, bối cảnh mới, tầm nhìn mới. Các đại biểu luận giải sâu sắc sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ tác động đến quan hệ Việt - Ấn; phân tích rõ "Chính sách hướng Đông" và " Hành động phía Đông" của Ấn Độ, những đặc điểm tác động của chính sách đó đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Các tham luận đã nêu bật những thành tựu đạt được trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và các ngành nghề khác; đồng thời khẳng định triển vọng phát triển của hợp tác trên các lĩnh vực này giữa hai nước. Dự báo về bối cảnh mới trong xu thế phát triển của thế giới ngày nay, các học giả, các nhà khoa học cho rằng hợp tác giữa hai nước đã phát triển đến mức độ đòi hỏi chuyển sang một giai đoạn mới.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh đã đến lúc phải nâng mối quan hệ Việt Nam- Ấn Độ lên một tầm cao mới, thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước cần tích cực hơn trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin cập nhật về tình hình mỗi nước, cơ hội trao đổi hợp tác đầu tư kinh doanh, du lịch, văn hóa, từ đó góp phần tăng cường kết nối người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Hai nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao để củng cố sự tin cậy về chính trị và tạo động lực hợp tác về mọi mặt; tiếp tục hợp tác tốt đẹp và hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.  Hai bên cần nỗ lực thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế cho tương xứng với tiềm năng của hai nước.Việt Nam cần tích cực, chủ động hợp tác với Ấn Độ về khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Việt Nam cần phát huy vai trò điều phối quan hệ Ấn Độ- ASEAN trong giai đoạn 2015-2018 để có thêm nhiều sáng kiến và khẳng định vai trò của mình trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và khu vực... Đại sứ tin tưởng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt - Ấn đang đứng trước nhiều cơ hội và triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parava thaneni Haish đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc tổ chức hội thảo quốc tế vào đúng dịp kỷ niệm 2 năm Ngày thành lập Trung tâm, lần thứ 70 Ngày Độc lập của Ấn Độ và là sự kiện mở màn cho chuyến thăm của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn độ. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Ấn độ trong 15 năm trở lại đây.

Đại sứ Parava thaneni Haish nhấn mạnh, mối quan hệ thân thiết hiện nay của hai nước bắt nguồn từ cuộc đấu tranh vì tự do của Nhân dân hai nước dưới sự lãnh đạo của hai vị cha già dân tộc là Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình hữu nghị và đoàn kết son sắt giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam được thể hiện trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh vì độc lập, nỗ lực anh hùng nhằm thống nhất đất nước và giai đoạn tái thiết đất nước hiện nay. Công cuộc đổi mới của Việt Nam và Cải cách kinh tế của Ấn Độ được bắt đầu gần như đồng thời và là công cụ mang lại sự tăng trưởng nhanh về kinh tế và giúp hàng triệu người dân thoát cảnh nghèo khó và tạo cơ hội cho họ phát huy năng lực của mình. Đại sứ Parava thaneni Haish nhấn mạnh, sang năm tới hai nước sẽ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, chúng ta thực sự đã bước vào một giai đoạn mới của mối quan hệ giữ hai nước được đánh dấu bằng sự tin tưởng sâu sắc, sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị đời đời bền vững.

Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cũng chia sẻ, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã đặt bối cảnh mới và tầm nhìn mới của quan hệ hai nước trong khuôn khổ chính sách Hướng Đông và cách tiếp cận Hành động phía Đông của Ấn Độ, cũng như tầm quan trọng của ASEAN đối với đất nước Ấn Độ về mặt lịch sử, địa lý, không gian kinh tế và chiến lược mà hai bên cùng chia sẻ. VIệt Nam là điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018 và cả hai nước đều cam kết tăng cường quan hệ đối tác song phương trong các khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN và hợp tác sông Mekong – sông Hằng.

Hội thảo có 3 phiên nội dung: (1), Những vấn đề chung: bối cảnh mới, tầm nhìn mới, tác động đa chiều đến quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ; (2) Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới; (3) Quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới.

Về những vấn đề chung: bối cảnh mới, tầm nhìn mới, tác động đa chiều đến quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ, nhiều học giả Việt Nam đề nghị phải tăng cường nghiên cứu cơ bản về Ấn Độ; tăng cường giáo dục, truyền thông về hai nước, về quan hệ chiến lược giữa hai nước, tăng cường quan hệ giao lưu, hợp tác thiết thực, đi vào chiều sâu trên tất cả lĩnh vực để tương xứng với niềm tin chính trị; tăng cường giao lưu, quan hệ ngoại giao nhân dân, hợp tác với các đảng chính trị của Ấn Độ để góp phần thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt Nam - Ấn Độ.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới, các học giả khẳng định tính tất yếu khách quan, những lợi ích thiết thực trong hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ấn Độ.

Về quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới, các học giả đã nêu ra những thuậnlợi, khó khăn, những rào cản, cách hóa giải, những đề xuất kiến nghị nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Ấn Độ trên các mặt với tinh thần trách nhiệm, nhiều hàm lượng khoa học.

* Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra chương trình tặng sách dịch “Chiến tranh giải phóng Việt Nam và vai trò của Cacutta” của tác giả Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn – Việt Bang Tây Bengal. PGS. TS Nguyễn Tất Giáp đã thay mặt Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho tác giả Geetesh Sharma.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất