Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 15/10/2012 15:0'(GMT+7)

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ mua than, điện, nhiên liệu... của các tập đoàn, tổng công ty khác. (Ảnh minh hoạ)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ mua than, điện, nhiên liệu... của các tập đoàn, tổng công ty khác. (Ảnh minh hoạ)

Theo thỏa thuận ký kết giữa các bên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ mua than, điện, nhiên liệu... của các tập đoàn, tổng công ty khác. Ngược lại, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất... sẽ mua giấy, quần áo bảo hộ lao động, xăm lốp ô tô, xe máy, dầu bôi trơn, thiết bị an toàn điện và các phương tiện vận tải thủy, bộ của Tập đoàn Điện lực và các tập đoàn, tổng công ty khác.

Khi cơn "bão" suy thoái ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế nước ta, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bình ổn nền kinh tế thông qua việc điều hành năng động các gói giải pháp cũng như chính sách tài chính hợp lý để tập trung bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, do suy thoái kéo dài cộng với ảnh hưởng suy thoái từ bên ngoài nên tốc độ phục hồi kinh tế nước ta vẫn chậm. Nhiều sản phẩm làm ra không bán được, sản xuất kinh doanh cầm chừng. Tính đến cuối tháng 9-2012, lượng hàng tồn kho của ngành sản xuất sắt, thép tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2011; chỉ số tồn kho của nhóm may trang phục, phân bón, hợp chất nitơ, dây điện, mô tô xe máy, pin ắc quy, xe có động cơ… tăng trên 20%... Nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30-45%... dẫn đến các hệ lụy về việc làm, tiền lương, ảnh hưởng không nhỏ tới phục hồi, tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ông cha ta từng nói, trong cái khó sẽ ló cái khôn. Việc các tập đoàn, tổng công ty Bộ Công thương liên kết tiêu thụ sản phẩm không chỉ giải quyết khó khăn trong Bộ Công thương mà còn gợi mở ra hướng đi mới đối với các bộ, ngành, địa phương cả nước trong tháo gỡ khó khăn hiện nay. Nó cũng góp phần thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giảm nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được (một nghịch lý tồn tại trong rất nhiều năm qua khi rất nhiều mặt hàng ta làm ra đang ế ẩm mà các công ty vẫn nhập khẩu mặt hàng đó từ bên ngoài). Vấn đề ở đây là chất lượng hàng hóa đưa vào danh mục trao đổi, mua bán giữa các bên phải bảo đảm chất lượng và quy định pháp luật chứ không phải vì "người nhà" mà ưu ái cho nhau hay do một yếu tố nào khác.

Bài toán thiếu và thừa không phải ngành nào, doanh nghiệp nào cũng giải quyết được. Cái chính là phải nắm bắt được nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp bạn, của thị trường để cung ứng, xem họ cần gì, mình có gì và giúp được gì. Giải đáp được điều này chính là "giải mã" được bài toán hóc búa về thiếu và thừa sản phẩm, về nhu cầu cung ứng (bởi nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp trong nước hiện nay là rất lớn). Giúp nhau "kích hoạt" sản xuất, thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi như việc làm của các tập đoàn, tổng công ty Bộ Công thương là điều rất cần thiết. Nhưng nếu chỉ tập trung ưu ái cho các đơn vị trong ngành mà quên mất "mở cửa" ra hợp tác rộng rãi với các đơn vị ngoài ngành sẽ khiến cho các doanh nghiệp trên dần đánh mất sức cạnh tranh, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững trong tương lai. Vấn đề mấu chốt không chỉ dừng ở việc giải quyết lượng hàng tồn kho và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động mà cái chính là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, một yếu tố sống còn mà không một doanh nghiệp nào được phép quên./.

(Hoàng Gia Minh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất