Chủ Nhật, 29/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 30/9/2009 23:5'(GMT+7)

Cần tận dụng “lợi thế hậu phát” để hội nhập

Quá trình hội nhập của ngành xây dựng bắt đầu từ những năm 1990 khi các dự án ODA (vốn tài trợ), FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào lĩnh vực này đổ vào Việt Nam và đến nay đã thu được những thành tựu lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của thời kỳ mới, ngành xây dựng Việt Nam cũng còn bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục để vươn lên.

Thành tựu lớn

Thành tựu hội nhập của ngành xây dựng được thể hiện khá rõ ở 3 khía cạnh là công nghệ, thể chế và nguồn nhân lực. Về công nghệ: Từ công nghệ và trình độ lạc hậu chỉ thực hiện các công trình đơn giản, sau 18 năm hội nhập, ngành xây dựng đã vươn lên làm chủ được các thiết bị, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến và có khả năng thi công được các công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật cao như cầu Mỹ Thuận, hầm Hải Vân, sân vận động Mỹ Đình, thủy điện Yaly, các khách sạn, nhà ở cao tầng… Nhiều vật liệu mới và kết cấu xây dựng hiện đại đã được ứng dụng thành công như xi măng cường độ cao, hợp kim nhôm, vải địa kỹ thuật, móng cọc nhồi, dàn không gian, kết cấu dây văng, bê tông dự ứng lực… Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về vật liệu, thiết kế, thi công cũng đã được đổi mới, bổ sung tiếp cận với trình độ thế giới. Công tác đo đạc, khảo sát, thiết kế đã sử dụng nhiều thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin...

Về thể chế: Hành lang pháp lý quản lý đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, ban hành phù hợp với yêu cầu mở cửa. Trong đó phải kể đến Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan đã tạo ra một cục diện tương đối ổn định về hành lang pháp lý quản lý đầu tư xây dựng theo yêu cầu hội nhập.

Về nhân lực: Nhờ liên doanh với nước ngoài mà các kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngành xây dựng đã có điều kiện cọ sát, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao được trình độ chuyên môn, quản lý, làm chủ được công nghệ tiên tiến do nước ngoài chuyển giao. Các doanh nghiệp xây dựng từ chỗ chỉ làm nhà thầu đã chủ động vươn lên vừa làm nhà thầu vừa làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn; hòa nhập nhanh với cơ chế thị trường, đa dạng hóa được sản phẩm, dịch vụ, đa phương hóa các quan hệ và đa dạng hóa sở hữu. Lực lượng nhà thầu đã được mở rộng ra nhiều thành phần kinh tế khác nhau, tư vấn xây dựng cũng đã trưởng thành nhanh chóng, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành xây dựng đã và đang ngày một tăng.

Hạn chế cũng không nhỏ

Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy ngành xây dựng đã tiếp thu và làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại, song chưa phổ biến. Phần lớn các công nghệ tiếp thu được là ở cấp độ thông dụng đối với các công trình lớn chưa phải là công nghệ đỉnh cao của thế giới. Đối với các công trình xây dựng phổ thông quy mô nhỏ thì công nghệ xây dựng của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, công nghệ nền móng còn tồn tại nhiều “mảng tối” khiến cho công trình xây dựng lún, sụt xảy ra thường xuyên. Công nghệ xây dựng, thi công đường bộ của Việt Nam dường như chưa có con đường nào đạt tiêu chuẩn về độ phẳng, độ êm và tuổi thọ. Công nghệ xử lý môi trường xây dựng, công nghệ hoàn thiện các công trình (nhất là các chung cư cao tầng)… còn nhiều bất cập.

Thể chế xây dựng tuy đã có nhiều cải cách tiến bộ song cũng chưa đáp ứng tốt được yêu cầu phát triển. Ví dụ, quản lý đất đai có vai trò quan trọng đối với đầu tư xây dựng, thế nhưng công tác đến bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư lại nhiều trở ngại làm tăng chi phí dự án, làm chậm việc khởi công, kéo dài thời gian, thậm chí làm rất ẩu. Cơ chế giá cả, cạnh tranh, giám định tư pháp, xử lý tranh chấp hợp đồng xây dựng… nhiều lúng túng.

Lực lượng lao động ngành xây dựng đến nay phần lớn vẫn là lao động phổ thông, nhiều lao động chưa qua đào tạo làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình cũng như an toàn lao động. Lực lượng tư vấn tuy phát triển song còn yếu kém trong khâu chuẩn bị đầu tư, giám sát và quản lý dự án. Đến nay Việt Nam vẫn chưa có một đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp về giá, trong khi giá xây dựng là một vấn đề then chốt của thị trường.

Việc quán triệt tư duy về thị trường còn chậm trễ, tình trạng tự phát thiếu chỉ đạo thống nhất, tệ nạn tham nhũng trong đầu tư xây dựng diễn ra tràn lan… Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam còn nặng tư duy dựa dẫm vào bảo hộ. Tất cả vẫn đang thách thức ngành xây dựng Việt Nam.

Cần tận dụng “lợi thế hậu phát”

Mục tiêu ngành xây dựng đề ra cho những năm tới là: “Phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực cả về xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng, kiến trúc và quy hoạch, phát triển đô thị và nhà ở; nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ xây dựng hiện đại thi công các công trình lớn và phức tạp như công trình thủy điện, nhiệt điện, nhà cao tầng, công trình có khẩu độ hoặc chiều cao lớn, cầu, hầm, công trình ngầm, công trình dầu khí...; phấn đấu đạt giá trị tăng thêm từ 10 đến 10,2%/năm". Muốn làm được điều này, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thì việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng là hết sức cần thiết. Một trong những hướng đi quan trọng có thể gặt hái được thành công là các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cần tìm cách vươn ra kinh doanh ở nước ngoài càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, bên cạnh thách thức thì xây dựng Việt Nam cũng có những thuận lợi đáng kể do quá trình hội nhập mang lại, trong đó phải kể đến “lợi thế hậu phát” (tận dụng cơ hội đi tắt, đón đầu để phát triển).

Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tận dụng thành công “lợi thế hậu phát” khiến thế giới phải kinh ngạc. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, để hội nhập, ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, ngành xây dựng nước này đã tiến hành mạnh mẽ việc hợp tác đầu tư ra bên ngoài để tiếp thu nhanh chóng công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến, nhờ vậy sức mạnh của ngành xây dựng Trung Quốc đã không ngừng gia tăng có khả năng cạnh tranh thắng thầu thi công các công trình qui mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao trên thế giới. Nhờ tận dụng được “lợi thế hậu phát” nên cùng một lúc ngành xây dựng Trung Quốc đã xuất khẩu được cả lao động, vật liệu xây dựng và công nghệ ra nước ngoài để tạo ra doanh thu và lợi nhuận.

Ý chí tự lực, tự cường của Việt Nam đồng nghĩa với việc gạt bỏ sự ỷ lại và dập khuôn máy móc, không khuyến khích tự mầy mò không chịu học tập và hợp tác với bên ngoài. Tận dụng “lợi thế hậu phát” là định hướng vận dụng trí thông minh để học tập những gì tốt đẹp của thiên hạ. “Lợi thế hậu phát” của nước đi sau là có, thế nhưng cũng phải khẳng định rõ ràng rằng, chỉ khi biết tận dụng một cách khôn ngoan mới có thể làm lên nghiệp lớn, mới có đủ năng lực cạnh tranh trong môi trường WTO./.

Lan Ngọc-Bộ Công thương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất