Chủ Nhật, 29/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 24/9/2009 20:13'(GMT+7)

Xây dựng tài chính công điện tử: Vẫn còn nhiều thách thức!

Tọa đàm cao cấp khai mạc sự kiện Vietnam ICT in Finance 2009 với các lãnh đạo đại diện 6 lĩnh vực: tài chính ngân sách, thu ngân sách, thuế, hải quan, chứng khoán, dự trữ.

Tọa đàm cao cấp khai mạc sự kiện Vietnam ICT in Finance 2009 với các lãnh đạo đại diện 6 lĩnh vực: tài chính ngân sách, thu ngân sách, thuế, hải quan, chứng khoán, dự trữ.

Tại Hội nghị “Ứng dụng CNTT trong ngành tài chính 2009” (Vietnam ICT in Finance 2009) diễn ra trong hai ngày 23-24/9 tại Hà Nội, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ tài chính) đã nêu ra những thách thức về mặt công nghệ trong việc xây dựng một nền tài chính công điện tử hiện đại của Việt Nam trong thời gian tới.

Thách thức và trở ngại

Cho tới nay, hiệu quả mà CNTT mang lại cho ngành tài chính là khá rõ ràng, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều trở ngại để đạt được mục tiêu xây dựng nền tảng chính phủ điện tử trong ngành tài chính vào năm 2015, chủ yếu là về mặt công nghệ.

Theo ông Mai, khi triển khai các dịch vụ tài chính công, thách thức lớn nhất và chung nhất về mặt công nghệ hiện nay là an toàn bảo mật thông tin. Khi ngày càng có nhiều thông tin, thủ tục hành chính của hệ thống tài chính công được đưa lên mạng thì sẽ càng có nhiều thông tin, dữ liệu quan trọng và nhạy cảm mà bọn tội phạm muốn nhắm tới. Mục đích của những tên tội phạm này có thể là tấn công đánh cắp hoặc phá hoại thông tin. Chính vì vậy, bảo mật thông tin hay an ninh mạng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xây dựng hệ thống tài chính công.  

Bên cạnh đó, khả năng tương tác giữa các hệ thống ứng dụng CNTT (bao gồm các chuẩn kết nối, chính sách và quy trình) cũng là một thách thức khá lớn. Hiện tại vẫn có nhiều khoảng cách số giữa trình độ của các đơn vị CNTT (hoặc ứng dụng CNTT) khác nhau. Khả năng truy nhập, chia sẻ thông tin và tính hợp nhất giữa các ứng dụng vẫn cần một giải pháp nhất quán.

Do đó, nếu các bộ, ban ngành nói chung và ngành Tài chính nói riêng có thể vượt qua các thách thức về mặt công nghệ thì sẽ đưa CNTT trở thành yếu tố dẫn dắt nghiệp vụ, hay nói cách khác CNTT sẽ là “ngòi nổ” thúc đẩy hiện đại hóa và cải cách các hoạt động nghiệp vụ.

Hiện đại hóa ngành tài chính bằng CNTT

Theo ông Mai, sau một thời gian ứng dụng CNTT cho các dịch vụ tài chính công điện tử đã gặt hái được những thành công rất lớn: 100% tỷ lệ cán bộ cấp Bộ được cấp hộp thư điện tử với mức độ sử dụng thường xuyên là 74,4%; tỷ lệ lãnh đạo sử dụng thư điện tử là 42,8%; 92% cán bộ trong ngành được trang bị máy tính và 100% máy tính được kết nối mạng cục bộ để phục vụ cho công tác nghiệp vụ.

Hơn nữa, Bộ tài chính đã áp dụng được 70 ứng dụng chuyên ngành cho việc tác nghiệp, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành trong cả 6 lĩnh vực: tài chính ngân sách, thu ngân sách, thuế, hải quan, chứng khoán, dự trữ. Đồng thời, CNTT cũng đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính công điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với nhiều dịch vụ tài chính thuận tiện hơn trước.

Theo bà Lê Hồng Hải - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc cấp bách của ngành Thuế hiện nay là cung cấp dịch vụ thuế điện tử đến các đối tượng nộp thuế. Và khi hệ thống thuế điện tử được triển khai và áp dụng rộng rãi, chúng sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho cơ quan thuế, mà còn cho người nộp thuế và cho cả nhà nước. Vừa qua, Tổng cục thuế đã kết hợp với Cục thuế TP.HCM triển khai thí điểm nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet cho 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như cung cấp các hướng dẫn kê khai thuế qua mạng. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác nghiệp vụ trên mạng Internet, CNTT đã đóng một vai trò rất lớn trong việc của xây dựng hệ thống thuế điện tử của Tổng cục Thuế trong thời gian qua.

Còn ông Weng-Yew Lai, chuyên gia của Oracle, cũng nhấn mạnh vai trò của nền tảng công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ tài chính công điện tử. Một dịch vụ tài chính công không thể phát triển vững mạnh mà không có một nền tảng công nghệ vững chắc, một cơ sở dữ liệu mềm dẻo và bảo mật thông tin luôn phải được chú trọng.

Không chỉ có ngành thuế gặt hái thành công từ ứng dụng CNTT vào công tác nghiệp vụ, ngành Hải quan cũng đạt được nhiều thành công sau 4 năm thí điểm thủ tục hải quan điện tử tại Hải Phòng và TP. HCM. Bốn năm triển khai thí điểm đã cho thấy một nhu cầu cần thiết phải đẩy mạnh phát triển CNTT trong hải quan điện tử nhằm làm cho hệ thống này hoàn thiện và có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Theo ông Vũ Ngọc Anh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thủ tục hải quan điện tử đã thể hiện rõ tính ưu việt so với thủ tục hải quan thông thường và mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan.

Còn theo ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó chủ tịch ủy ban chứng khoán nhà nước, thì kể từ khi Luật chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2007 và quy mô thị trường tăng mạnh trong vài năm gần đây, nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT cho dịch vụ tài chính công điện tử ngành chứng khoán ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

VnMedia.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất