Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 21/9/2009 15:45'(GMT+7)

Sôi động 'Hành trình xa lộ xanh 2009'

Sáng 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Các phương tiện sử dụng khí tự nhiên Châu Á – Thái Bình Dương (ANGVA – Asia Pacific Natural Gas Vehicles Association), Cty VN Ventures, Cty CP Thể thao Văn hoá Dầu khí cùng Cty CP Tiền Phong tổ chức họp báo thứ hai tại VN về chương trình Hành trình xa lộ xanh (cuộc họp thứ nhất được tổ chức tại TPHCM 16/9).
Tại cuộc họp báo 20/9, Ban tổ chức Việt Nam (VN) đã tổng kết lộ trình hoạt động của Chương trình; trao cờ tiếp sức và biểu trưng Chương trình cho đại diện Ban tổ chức Trung Quốc.

Ban tổ chức VN cho biết, Hành trình xa lộ xanh tại VN nhận được sự hỗ trợ, tham gia tích cực của Bộ TN&MT, KH&CN, GTVT. Báo Tiền Phong là cơ quan bảo trợ thông tin chương trình này tại VN.

Ông Đoàn Công Huynh - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong kiêm Chủ tịch HĐQT Cty CP Tiền Phong - cho biết, chương trình đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự góp sức nhiệt tình của các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.

Ban Tổ chức Việt Nam trao cờ tiếp sức cho đại diện Ban Tổ chức Trung Quốc


Trước đó, chiều 18/9, như Tiền Phong cùng các phương tiện thông tin đại chúng VN thông báo, tại cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) diễn ra lễ tiếp nhận cờ và kỷ niệm chương của chương trình Hành trình xa lộ xanh 2009 (ANGVA GREEN HIGHWAY 2009).

Sau khi tiếp nhận cờ và biểu trưng từ đoàn Hành trình xa lộ xanh Thái Lan, đoàn Hành trình xa lộ xanh Việt Nam  diễu qua các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam, về tập kết tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí VN (18 Láng Hạ, Hà Nội) cuối ngày 19/9.

Chủ tịch ANGVA cho biết, chi phí chuyển đổi mỗi ôtô từ chạy xăng sang chạy NGV là 1.000 - 3.000 USD, từ ôtô chạy LPG sang NGV là 1.200 - 1.800 USD, tùy loại xe. Xe chạy bằng NGV tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với chạy xăng.

Tại VN, xe du lịch loại nhẹ chạy bằng NGV hiện nay hết khoảng 85.000 đồng cho khoảng 200 km.

Hành trình xa lộ xanh 2009 được phân làm hai lộ trình: Xa lộ xanh A bắt đầu từ TP Tehran (thủ đô Iran); Xa lộ xanh B bắt đầu từ Surabaya (Indonesia), gặp nhau tại TP Thiên Tân (Trung Quốc); sau đó cùng đến TP Donghae (Hàn Quốc) đúng thời gian Hội nghị ANGVA 2009 (diễn ra từ ngày 27 đến 29/10/2009).

Tại Hà Nội, đoàn VN diễu hành qua nhiều trục đường chính, trong sự chào đón của đại diện chính quyền, cơ quan chức năng và đông đảo người dân.

Hành trình xa lộ xanh 2009 là cuộc diễu hành tiếp sức trao cờ, cổ động cộng đồng sử dụng nguồn khí tự nhiên thay thế các nguồn năng lượng tạo ra nhiều khí thải độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Thông qua diễu hành, Ban tổ chức Hành trình xa lộ xanh 2009 kêu gọi cộng đồng dân cư và ngành công nghiệp NGV (Natural Gas Vehicles - Các phương tiện sử dụng khí tự nhiên) tại các địa phương tham gia, ủng hộ, góp phần hình thành các xa lộ xanh, xa lộ NGV khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.

Chương trình nhằm tư vấn, cung cấp, trợ giúp kỹ thuật, quảng bá việc chọn khí tự nhiên làm nhiên liệu cho phương tiện vận tải châu Á - Thái Bình Dương, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, giảm hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường.

Tại VN, theo Bộ TN&MT, kết quả quan trắc tại một số thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng...) cho thấy, khí độc hại gây ô nhiễm phát thải từ phương tiện giao thông chủ yếu là CO, các oxit nitơ (nox), hơi xăng dầu, bụi, chì, benzen và bụi PM 2,5 (một loại bụi mịn trong không khí).

Xe máy là nguồn phát thải chính khí CO - chiếm 85 phần trăm, xe tải phát thải khí lưu huỳnh và nitơ chiếm hơn 70 phần trăm. Phương tiện giao thông chạy bằng xăng phát thải khí gây ô nhiễm chiếm hơn 50 phần trăm so với chạy bằng dầu diesel, nhưng các phương tiện này lại phát thải bụi mịn nhiều nhất.

Việc cổ động các phương tiện chạy bằng khí tự nhiên (NGV) tại VN nhằm xây dựng tương lai xanh - sạch - đẹp hơn, tiết kiệm chi phí giao thông với nguồn năng lượng có giá cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh: Với một số nước, việc sử dụng năng lượng khí tự nhiên không mới; còn ở VN, vấn đề này chưa quen, thậm chí còn xa lạ với nhiều người. Sử dụng năng lượng khí tự nhiên, ngoài tác dụng hạ giá thành sản phẩm,  dịch vụ và tăng hiệu quả kinh tế, còn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Báo Tiền Phong sau bảo trợ thông tin sự kiện này tại VN, sẽ tiếp tục nỗ lực chia sẻ trách nhiệm trong tương lai, góp phần chuyển đổi nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, dịch vụ; đồng thời, việc này cần sự chung tay hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền, đoàn thể, tổ chức và mỗi người dân./.

Theo TienPhongOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất