Thứ Tư, 2/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 9/8/2010 11:2'(GMT+7)

Cẩn thận khi gửi con vào… trường “quốc tế”

Khó nhận dạng trường quốc tế

Người Việt Nam thường có tâm lý “sính ngoại”. Chúng ta đã phải trả giá và nhận những bài học đau xót vì có lúc đã nhầm lẫn rằng cứ “hàng ngoại” là tốt (như những vụ lừa đảo nổi tiếng một thời của Trung tâm ngoại ngữ SITC hay trường Đại học quốc tế Đông Nam Á). Mặc dù vậy trong suốt thời gian dài và cho đến tận bây giờ nhiều người dân khi thấy một trường mà tên gọi có chữ “quốc tế” vẫn cả tin rằng đó là trường của nước ngoài, và cứ “dính” đến nước ngoài thì chất lượng phải tốt(!).

Trên thế giới khái niệm trường quốc tế khởi nguồn từ các trường phổ thông quốc tế (international school) xuất hiện đầu tiên vào nửa cuối thế kỷ 19 tại các nước như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ấy một số quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ…quan tâm đến việc giáo dục cho con em các nhà ngoại giao, quan chức và kiều dân ở nước ngoài nên đã mở các trường học tại quốc gia họ sống và làm việc. Các trường này dùng chương trình của nước họ, ngôn ngữ thường là tiếng Anh, tiếng Pháp và đội ngũ giáo viên là người bản ngữ. Dần dần loại hình quốc tế được mở cho cả bậc mầm non, tiểu học, đại học kèm theo những biến đổi về đối tượng giáo dục, mục tiêu giáo dục, hình thức đầu tư và cơ cấu tổ chức.  

Đến nay trên thế giới trường quốc tế thường được hiểu là các trường học có sử dụng những chương trình đã được quốc tế công nhận. Có nhiều chương trình quốc tế như vậy. Nổi bật nhất là chương trình Tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate) của Tổ chức Tú tài Quốc tế (IBO) đóng tại Geneva, Thụy Sĩ. Hiện có tới 3.018 trường học tại 139 nước bao gồm 845.000 học sinh đang theo học chương trình của IBO với chất lượng rất cao và luôn được kiểm định chặt chẽ.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (www.wikipedia.org), trong phần danh sách trường quốc tế trên thế giới (List of international schools), Việt Nam hiện chỉ được nhìn nhận 9 trường, trong đó tại Hà Nội có Trường Quốc tế Liên hợp quốc (United Nations International School of Hanoi-UNIS) và trường Trung học Pháp Alexandre Yersin (Lycée français Alexandre Yersin). Cũng theo Wikipedia, trường phổ thông quốc tế là một khái niệm còn mơ hồ, thiếu chính xác (loosely defined).

Việt Nam có lẽ là một trong những nước mà tên gọi trường quốc tế được dùng một cách khá tùy tiện. Khổ nhất là rõ ràng trường Việt Nam của người Việt Nam mà cứ phải lấy tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên danh nhân của nước ngoài để tăng tính hấp dẫn khi quảng cáo. Có trường Mầm Non dăm ba lớp nhỏ hẹp, của đáng tội cũng có tô vẽ màu sắc với nhiều đồ chơi (của Việt Nam), nuôi và dạy cũng theo chương trình Việt Nam, nhưng được cái các cháu nói tiếng mẹ đẻ chưa sõi đã bập bẹ cả tiếng Anh, đón cháu tiễn cháu nhạc Tây vặn cứ tùm lum. Thế là thành trường quốc tế và học phí cũng quốc tế luôn. Thật đau lòng!

Muốn đạt chuẩn là trường quốc tế phải được kiểm định chất lượng bởi những tổ chức có đủ tư cách pháp nhân quốc tế (Ví dụ tổ chức IBO). Có 3 yếu tố căn bản nhất để các trường đạt chuẩn quốc tế là: chương trình, giáo viên và cơ sở vật chất. Trong khi đó ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở giáo dục tự nhận là ‘quốc tế” nhưng chưa đạt được những tiêu chuẩn này. Tại Hội thảo tổ chức ngày 22/8/2009, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết chương trình giảng dạy một số trường này còn nhiều bất cập. Nhiều trường lấy nội dung kinh nghiệm của một vài cá nhân trong Hội đồng sư phạm ở nước ngoài hoặc sao chép trên mạng về làm chương trình rồi gắn mác chương trình “quốc tế”. Có tới 10% giáo viên nước ngoài chưa được cấp phép hành nghề nhưng vẫn lén lút dạy chui, họ là Tây ba lô, khách du lịch sau dó ở lại dạy kiếm thêm, hoặc những người làm việc cho các công ty nước ngoài.

Hiện tượng này cho đến nay chưa phải đã hết. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều trường quảng cáo như là một trường quốc tế có đẳng cấp, nhưng lại tổ chức giảng dạy theo chương trình Việt Nam, chỉ xen kẽ chắp vá chút ít nội dung nhặt nhạnh từ các chương trình nước ngoài. Có trường thuê địa điểm hạn chế về diên tích, lớp học nhỏ hẹp, không có sân chơi bãi tập cho học sinh. Do vậy chất lượng giáo dục tại nhiều trường mang nhãn mác “quốc tế” không đúng như lời quảng cáo và hoàn toàn không tương xứng với mức học phí cao ngất ngưởng!

Nâng cao nhận thức và tăng cường quản lý

Trường quốc tế là một loại hình tất yếu trong xu thế hội nhập của nước ta với thế giới. Trong những năm qua một số trường quốc tế và cả trường Việt Nam có yếu tố nước ngoài (có sử dụng chương trình, giáo viên nước ngoài) đã có đóng góp nhất định cho sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận xã hội. Trong các trường này sĩ số học sinh mỗi lớp ít, học sinh được tiếp cận với chương trình hiện đại, phương pháp dạy học mới, cơ sở vật chất tương đối tốt, được giao tiếp với giáo viên người nước ngoài nên khả năng ngoại ngữ được nâng lên, đặc biệt kỹ năng nghe, nói.

Tuy nhiên tình hình nở rộ của nhiều trường với nhãn mác “quốc tế” đã dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn. Thật khó cho nhiều bậc phụ huynh để nhận ra những trường thực sự có chất lượng quốc tế và quan trọng nhất là chất lượng giáo dục mà con em họ thụ hưởng có xứng đáng với đồng tiền gia đình bỏ ra hay không.

Để hạn chế thấp nhất những điều không mong muốn, cha mẹ học sinh trước hết phải tự nâng cao nhận thức và hiểu biết về những nội dung liên quan đến chất lượng giáo dục, những tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế trước khi quyết định gửi con vào các trường có tên gọi quốc tế. Cần thu thập đầy đủ thông tin về nhà trường, quan trọng nhất phải biết được nhà trường đã được kiểm định chất lượng bởi tổ chức nào chưa. Tư cách pháp lý, uy tín chuyên môn của tổ chức kiểm định đó chính là một trong những điều quyết định cho chất lượng của nhà trường. Nếu có thể phải tìm hiểu kỹ và sâu về chương trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.

Mặt khác, công tác quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước đối với hoạt động của các trường quốc tế và cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài phải được đẩy mạnh. Ví dụ cần xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo đối với các loại hình giáo dục này. Hiện nay việc xác định chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đó chưa được thực hiện tốt, điều này thật khó cho học sinh và gia đình biết chính xác chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.

Nhân câu chuyện về trường quốc tế, thiết tưởng ngành giáo dục và các nhà trường của chúng ta cũng nên tự hỏi: vì sao phải tốn rất nhiều tiền (nhiều khi tưởng như phi lý) mà vẫn có nhiều người lao vào các trường quốc tế hoặc có mác quốc tế? Phải chăng ở đấy trường lớp đẹp hơn, vui hơn, chương trình nhẹ nhàng hơn, ngoại ngữ dạy tốt hơn, học sinh được tôn trọng hơn, môi trường giáo dục nghệ thuật, thể chất và những kỹ năng sống… tốt hơn?

Như trong cuộc sống, chỉ khi chúng ta có nhiều hàng hóa chất lượng tốt thì mới đủ điều kiện chín mùi để phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không thể kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên học trường Việt Nam” khi chất lượng của các nhà trường chưa đủ sức thu phục trái tim và khối óc của cha mẹ và học sinh.

Theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất