Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 22/11/2020 17:5'(GMT+7)

Cần thiết phải quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện

Thông điệp mà WHO luôn nhấn mạnh và muốn lan tỏa là: “Không sử dụng kháng sinh nếu không bị bệnh do vi khuẩn gây ra” và “khi bị nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh theo đơn, sử dụng đúng liều, đúng cách” để phòng, chống tình trạng kháng thuốc.

CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH ĐỐI MẶT VỚI TÌNH TRẠNG KHÁNG THUỐC

Ở Việt Nam, hầu hết cơ sở khám, chữa bệnh phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do làm tăng chi phí điều trị, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, của gia đình người bệnh nói riêng và ảnh hưởng cho cộng đồng, và sự phát triển xã hội nói chung.

Từ khi phát hiện ra kháng sinh đầu tiên - Penicillin vào năm 1928 đến nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học và điều trị các bệnh truyền nhiễm.

 Sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn cho người và động vật khi được kê đơn và điều trị đúng. Tuy nhiên, những loại kháng sinh này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội, cần phải có hành động kịp thời để làm chậm quá trình kháng kháng sinh trên toàn cầu.

SỬ DỤNG THUỐC KHÔNG HÓA ĐƠN LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố tại Hội thảo: “Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố tổ chức ngày 21/11 đã lý giải về tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam, cho rằng, việc mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn diễn ra phổ biến là nguyên nhân chính.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, nghiên cứu cho thấy có khoảng 88% người dân sử dụng thuốc không kê đơn. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, lâu ngày gây “lờn” thuốc.  Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bác sỹ kê đơn thuốc không hợp lý; vi khuẩn kháng thuốc lây truyền từ người này sang người khác trong các cơ sở khám chữa bệnh; vi khuẩn kháng thuốc cũng lây truyền từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện…

 

Dược sỹ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh nhưng phần lớn được bán tại nhà thuốc. Việc buôn bán kháng sinh tùy tiện tại các nhà thuốc, bác sỹ phòng mạch tư kê kháng sinh bừa bãi đã trở thành tình trạng nhức nhối chưa thể kiểm soát nhiều năm qua. Ngay trong các cơ sở y tế vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân nội trú dùng kháng sinh thiếu chỉ định hợp lý. Nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ kháng thuốc đang ở mức từ 30-40% và đã xuất hiện một vài trường hợp kháng cả Colistin - kháng sinh thế hệ mới nhất hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Hoa, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Oucru) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, còn một trong những nguyên nhân gây nên kháng thuốc trên người nhưng ít được nhiều người chú ý, đó là tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Ban đầu kháng sinh được khuyến khích sử dụng trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, phòng bệnh, giúp tăng sản lượng thực phẩm. Tuy nhiên, về sau này, tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi cũng chính là 1 trong 10 nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc ở con người. Con người phơi nhiễm kháng kháng sinh trong nông nghiệp từ 3 con đường, đó là tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi sử dụng kháng sinh; chất thải vật nuôi sử dụng kháng sinh thải ra môi trường và từ con đường sử dụng thực phẩm từ vật nuôi được sử dụng kháng sinh như ăn thịt, trứng, sữa…

Trong khi số lượng chủng virus kháng thuốc ngày càng phát triển thì việc tìm ra kháng sinh mới lại đang có chiều hướng ngược lại. Nếu như năm 1980 có 19 kháng sinh mới được tìm ra thì năm 2010 chỉ tìm ra được thêm 6 kháng sinh mới. Đáng chú ý, các kháng sinh mới ra đời sau này đa số đều nâng cấp từ kháng sinh đã được tìm ra trước đó. Nếu như trước đây vòng đời kháng sinh thường kéo dài nhiều thập niên thì nay vòng đời đã bị rút ngắn. Cứ một kháng sinh mới ra đời sẽ bị kháng thuốc sau khoảng 5 năm.

Các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai con người có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cần phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

VIỆT NAM ĐÃ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ CHỐNG KHÁNG THUỐC

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới, là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đây là một Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết thực hiện của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Từ tháng 6/2015, Bộ Y tế đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triên ký kết Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc.

Đối với việc quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, trong chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế đang tiến hành bổ sung sửa đổi "Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện" được ban hành kèm theo Quyết định số 772/QĐ-BYT ngày 04/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn này nhằm bổ sung, sửa đổi các nội dung mới về quản lý sử dụng kháng sinh, việc phân chia các nhóm kháng sinh theo mức độ quản lý, hoàn thiện quy trình phê duyệt kháng sinh thuộc nhóm cần dự trữ.

Việt Anh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất