Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 19/10/2012 14:23'(GMT+7)

Cần tiếp tục khai thác, phát huy các giá trị khoa học, lịch sử to lớn của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ

Ngày 19/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tổ chức Lễ tổng kết công tác biên tập xuất bản và công bố các sản phẩm của Dự án biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007).

Tới dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Ukhăn SengKeomyxay, Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học…


Công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), gồm có sáu sản phẩm: Sản phẩm chính, Văn kiện Đảng và Nhà nước, Biên niên sự kiện, Hồi ký (gồm bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hồi ký các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào qua các thời kỳ), Sách ảnh và bộ phim tài liệu “Bản hùng ca quan hệ Việt – Lào”. Các sản phẩm đều đạt được giá trị khoa học, chính trị, tư tưởng và có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn, vun đắp và phát triển mãi mãi mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào; đấu tranh chống lại sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch chia rẽ tình đoàn kết của nhân dân hai nước Việt – Lào anh em.

Sau khi kết thúc việc biên soạn và tổ chức nghiệm thu công trình trên, các cơ quan chức năng của hai nước Việt Nam – Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc dịch, biên dịch và xuất bản các sản phẩm thành 3 thứ tiếng: Việt Nam, Lào và tiếng Anh. Đồng thời, đã tổ chức phát hành sâu rộng đến các cơ quan lưu trữ, thư viện, trường học và bạn đọc ở cả hai nước. Nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương của cả hai nước đã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thông báo kết luận của Ban Bí thư hai Đảng; hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào về việc tổ chức tuyên truyền các sản phẩm của công trình.


Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực cố gắng của hai Ban Chỉ đạo, các Ban Biên soạn, các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, thành viên tham gia Dự án của các hai nước.

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng khẳng định việc hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản toàn bộ công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007) là một  thành công lớn. Nhiệm vụ hiện nay là phải khai thác, phát huy các giá trị khoa học, lịch sử to lớn của công trình quan trọng này, phối hợp với các bạn Lào tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng công trình, chuẩn bị cho việc tái bản sau này.

Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt một số công việc:

Một là, tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước về nội dung của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, về sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi, sự hy sinh xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí, chiến sỹ hai nước Việt Nam – Lào trong hơn 80 năm qua để làm nên quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào và những thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào hôm nay, trên cơ sở đó, tiếp tục giữ gìn, vun đắp cho tình hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Lào mãi mãi bền vững.

Hai là, đưa nội dung của công trình vào trong các chương trình giáo dục đào tạo ở các cấp học, trường học, các lớp học ở cả hai nước để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Ba là, các cấp, các ngành, các địa phương nghiên cứu  để giữ gìn, phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trong hoạt động của ngành mình, cấp mình, địa phương mình, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước trong thời gian tới.

Bốn là, nghiên cứu những nội dung thích hợp, tổ chức thông tin rộng rãi với bạn bè quốc tế về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Năm là, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với các bạn Lào tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những sự kiện, nhân chứng lịch sử những nội dung khoa học mới, làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; chính xác hoá các sự kiện, cách diễn đạt, dịch thuật… để công trình được tái bản trong thời gian tới với chất lượng tốt hơn, hoàn chỉnh hơn, tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của quan hệ hai nước Việt – Lào.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất