Chiều 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Nhiều đại biểu cho rằng, nhà đất là vấn đề nhạy cảm, có tác động đến một bộ phận lớn người dân. Do vậy, Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng cho người dân biết để áp dụng
Dự thảo Luật Thuế nhà, đất được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 4 chương 13 điều nhằm thay thế cho Pháp lệnh Thuế nhà, đất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 3/7/1992, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1994.
Qua hơn 15 năm thực hiện, đến nay, với nhiều vấn đề bất cập phát sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất đai, nhiều quy định của Pháp lệnh Thuế nhà, đất chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nguồn thu NSNN từ thuế đất không tương xứng với giá trị đất đai; chưa bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chưa thể hiện rõ vai trò điều tiết và quản lý của Nhà nước trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặt khác, một số quy định về quản lý thuế nhà, đất đã thể hiện trong Luật Quản lý thuế.
Tại phiên thảo luận chiều nay, đa số các đại biểu đều tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật Thuế nhà, đất. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tính khả thi, cụ thể của dự thảo Luật chưa cao. Nhiều quy định còn chung chung khó áp dụng vào thực tiễn.
Dự thảo Luật còn sơ sài, chưa minh bạch
Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, mục tiêu của việc ban hành Luật Thuế nhà, đất lần này nhằm điều chỉnh, khắc phục những tồn tại trong thực tiễn hiện nay. Chúng ta đã có thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thuế nhà, đất. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại mang tính hình thức, sơ sài, chung chung quá. Theo đại biểu, nếu thực hiện thì dân sẽ không thể biết để liên hệ xem mình sẽ áp dụng như thế nào.
Đại biểu Lê Quốc Dung cũng cho rằng nhà, đất đang là vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay, nếu chúng ta làm tốt và rõ ràng Luật này thì sẽ có tác dụng ngay lập tức đối với thị trường bất động sản. Góp phần làm cho xã hội ổn định, bình đẳng, hợp lý hơn. Từ những điều này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại trách nhiệm, cũng như cách làm khi đưa ra dự thảo Luật này.
Bàn về tính cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nhiều quy định của Dự thảo Luật còn chưa cụ thể. Trong tổng số 13 điều luật thì có tới 8 nội dung giao Chính phủ hướng dẫn. Đại biểu cho rằng, một đạo luật như thế là chưa minh bạch, chưa rõ ràng. Theo Hiến pháp quy định, thuế là thẩm quyền của Quốc hội quyết định, do vậy việc có quá nhiều điều giao cho Chính phủ hướng dẫn là không nên.
Điều này cũng được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra cho rằng: Nhà, đất là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Việc thực thi pháp luật về nhà, đất luôn là điểm nóng của khiếu kiện, lợi dụng kẽ hở của chính sách để lợi dụng, tham nhũng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định của pháp luật chưa cụ thể, minh bạch và thiếu tính ổn định. Việc không quy định cụ thể các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật một mặt không bảo đảm nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; mặt khác, làm giảm hiệu lực thực tế trong thực thi pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế. Vì vậy, để luật thực sự đi vào cuộc sống, đề nghị Chính phủ căn cứ vào thực tiễn áp dụng luật trong gần 15 năm, cụ thể hóa trong luật những vấn đề đã được áp dụng ổn định; đặc biệt, cần quy định chi tiết những nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định chính sách thuế, quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế.
|
Các đại biểu thảo luận tại tổ |
Chưa nên đánh thuế với nhà ở
Về việc đưa nhà ở vào diện đối tượng chịu thuế, nhiều đại biểu cũng thống nhất cho rằng, tại thời điểm này chưa nên tính thuế với nhà ở. Các đại biểu đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách là: Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Trong quá trình xây dựng nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng,… Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.
Bên cạnh đó, tài sản nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân; đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận. Một vấn đề nữa là trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng. Do vậy, trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất; chưa áp dụng thuế đối với nhà.
Bàn về những quy định cụ thể trong dự thảo Luật, đại biểu Bùi Tuyết Minh (đoàn Kiên Giang) đề nghị tại Điều 4 quy định người nộp thuế, cần bổ sung thêm khoản đối với trường hợp nhà đất thuộc diện tranh chấp, bởi trên thực tế có nhiều trường hợp này xảy ra. Mặc dù Tờ trình của Chính phủ đã giải trình song Dự thảo luật lại chưa quy định đối với trường hợp nhà, đất đang bị tranh chấp mà người có Giấy chứng nhận quyền sở hữu lại không được sử dụng nhà, đất và đối tượng sử dụng nhà, đất đang bị tranh chấp lại không có Giấy chứng nhận thì ai sẽ là người nộp thuế trong trường hợp này. Vì vậy, để tránh phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật, đề nghị bổ sung quy định vào Dự thảo luật về vấn đề này.
Ngày 13/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu và dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận./.
(Theo: VOV)