Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 sẽ được tổ chức ngày 14/6 sắp tới. Đây là một trong những giải thưởng báo chí lớn và quan trọng nhất trên phạm vi quốc gia.
Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương về thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, những đóng góp của công tác thông tin đối ngoại đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là sau 30 năm đổi mới.
- Ông có thể cho biết Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 có điểm gì khác so với giải thưởng những năm trước? Ông có thể đánh giá chất lượng giải thưởng năm nay?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh: Điểm khác biệt thứ nhất là phạm vi, quy mô, số người tham gia giải đông hơn; nếu trước đây chỉ khoảng hơn 800 tác phẩm thì năm nay có khoảng 930 tác phẩm dự thi.
Thứ hai, theo đặc thù của giải nên các ấn phẩm, nội dung của bài viết bằng các ngôn ngữ nước ngoài được coi trọng hơn. Tại các vùng, địa bàn quan trọng, số người tham gia giải cũng tăng lên. Hơn nữa, chất lượng, độ đồng đều của các loại hình tác phẩm tham dự giải từ Trung ương, địa phương, trong và ngoài nước cũng rút ngắn khoảng cách hơn so với những năm trước, thể hiện sự đầu tư rất công phu cũng như nắm được định hướng tuyên truyền về nội dung của cuộc thi kỹ hơn của người tham dự.
Sự tham gia và chuẩn bị của người dự thi, các phóng viên báo chí, đơn vị sản xuất các ấn phẩm sách đã có sự chủ động, chất lượng hơn.
- Theo ông, điều gì đã làm nên thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017? Để chất lượng giải ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động đối ngoại của Việt Nam, theo ông cần phải tiếp tục hoàn thiện những gì?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh: Rút kinh nghiệm của những giải trước, tại giải năm nay, tính chủ động của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương cũng như các cơ quan thường trực, cơ quan phối hợp được phát huy cao hơn.
Ngay từ đầu, khi kết thúc Giải thưởng toàn quốc lần thứ ba, chúng tôi đã triển khai ngay việc phân công, giao nhiệm vụ và phối hợp các cơ quan để tổ chức cùng triển khai giải này.
Năm nay, báo Nhân Dân là cơ quan thường trực. Các cơ quan: Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung, phát huy những điểm tốt, mặt tích cực, ưu điểm của giải trước, khắc phục kịp thời những hạn chế để chủ động trong công tác tổ chức giải.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng nhiều hơn. Các đơn vị Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo mạng, báo tiếng nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cùng chủ động phối hợp thực hiện tuyên truyền cho Giải.
Đặc biệt, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 có sự thuận lợi. Đó là năm 2017 có rất nhiều sự kiện quốc tế, trong nước quan trọng, cũng là thời điểm Việt Nam giữ nhiều vị trí quan trọng trong tổ chức các sự kiện quốc tế, điển việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 25 và một số sự kiện các. Tôi cho rằng đây là dư địa tốt để bài viết tập trung giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
Qua những lần tổ chức, chúng ta có thể khẳng định việc tổ chức Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Thường trực Ban Bí thư, lãnh đạo các cơ quan thông tin đối ngoại, khối đối ngoại.
Thứ hai, để nâng cao chất lượng giải, chúng ta cần tiếp tục phát huy công tác phối hợp giữa những cơ quan thường trực tổ chức giải với các cơ quan phối hợp; chủ động tuyên truyền những nội dung, nhất là những đặc điểm mới của giải theo từng năm để chúng ta hướng tới các đối tượng khác nhau, các vùng địa bàn khác nhau, hướng tới những nhiệm vụ trung tâm của đất nước trong quá trình hội nhập, phát triển, từ đó, thu hút sự tham gia, vào cuộc của các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí đối ngoại và đặc biệt là của cộng đồng quốc tế, những phóng viên nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan đại diện quốc tế cùng tham gia giải.
Đối với loại hình các ấn phẩm sách, một ấn phẩm thông tin đối ngoại có điều kiện lột tả được những chiều sâu của hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, cần tiếp tục quảng bá rộng rãi nhất là với những bạn bè Việt Nam, những khu vực địa bàn có quan hệ truyền thống lâu đời với ta, để có thể thu thập được nhiều ấn phẩm tốt hơn.
Thứ ba và cũng đặc biệt quan trọng, đó là phải coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu, yêu cầu nội dung giải, đặc biệt là hướng tới các đối tượng khác nhau. Năm tới, tôi cho rằng giải cần tập trung hơn vào các cơ quan đại diện báo chí nước ngoài tại Việt Nam, các đại sứ quán tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các trung tâm văn hóa; đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội tập trung tuyên truyền nhằm đưa giải ngày càng lan tỏa.
- Xin ông đánh giá những thành tựu của công tác thông tin đối ngoại thời gian qua có đóng góp gì vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, đặc biệt là sau 30 năm đổi mới?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh: Sau 30 đổi mới, một trong những bài học rút ra có ý nghĩa khái quát nhất chính là chúng ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đây là chặng đường thể hiện tư tưởng đổi mới của đất nước.
Nhiệm vụ của thông tin đối ngoại là thông tin về chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ra bên ngoài, những chính sách mới của Nhà nước để thu hút sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; thông tin về những thành tựu đạt được để bạn bè khắp năm châu thấy được một Việt Nam đang phát triển, đầy tiềm năng, hội nhập sâu rộng, chủ động tích cực.
Công tác thông tin đối ngoại cũng góp phần tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về đất nước Việt Nam hiện nay, phê phán những quan điểm sai trái thù địch. Có thể nói, đóng góp của thông tin đối ngoại đối với thành tựu của 30 năm đổi mới là hết sức quan trọng. Đây chính là một trong những kênh quan trọng để góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập ở Việt Nam một cách chủ động hơn, đúng hướng và đem lại kết quả.
Ngoài việc giới thiệu hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, ngày một phát triển đi lên với rất nhiều chủ trương đúng đắn, nhiều tiềm năng phát triển, công tác thông tin đối ngoại còn góp phần thúc đẩy vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc tham gia sâu rộng vào các định chế quốc tế, các diễn đàn đa phương...; phát triển các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội như: du lịch, đầu tư nước ngoài...
- Trong bối cảnh truyền thông toàn cầu hóa, chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Kết luận số 16-KL/TW về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020," thưa ông?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh: Chúng ta đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện thắng lợi Kết luận số 16-KL/TW về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020." Đây là Chiến lược đầu tiên về lĩnh vực thông tin đối ngoại, là cơ sở quan trọng để các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại một cách toàn diện, bài bản và hiệu quả. Có thể nói, thời gian qua, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên để thực hiện công tác thông tin đối ngoại trên một chặng đường mới, với đặc điểm bối cảnh quốc tế có nhiều khác biệt, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vị thế đất nước được nâng lên, hội nhập sâu rộng hơn. Điều này đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại phải có sự đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương thức thực hiện, lực lượng, cách làm. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công tác thông tin đối ngoại phải tiếp cận được những cách làm, phương thức mới, nhất là việc áp dụng khoa học công nghệ để hướng tới các đối tượng khác nhau một cách nhanh nhạy, chủ động.
Chúng ta cần bám sát những nhiệm vụ chính trị để làm sao chuyển tải được những nhiệm vụ này tới các khu vực trọng điểm, địa bàn quan trọng. Bên trong chúng ta tạo sự đồng thuận, ủng hộ; bên ngoài thông tin kịp thời, chính xác để sự ủng hộ của bạn bè quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tôi cho rằng làm được những điều này sẽ góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, chặng đường mới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phát triển lực lượng làm thông tin đối ngoại, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực thực hiện tuyên truyền thông tin đối ngoại.
Đặc biệt, tới đây, chúng ta cần triển khai việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển thông tin đối ngoại như trong nội dung Kết luận số 16 của Bộ Chính trị, có hướng huy động được nguồn lực xã hội, từ đó tổ chức được những sự kiện, hoạt động đối ngoại quan trọng, có tầm vóc, có quy mô ở những địa bàn lớn, nhờ đó, ngày càng lan tỏa tới cộng đồng xã hội.
-
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Thu Phương (TTXVN)