Thứ Sáu, 27/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 29/3/2009 17:53'(GMT+7)

Cẩn trọng với hàng ăn gian khối lượng

Để tránh tình trạng ăn gian, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có thương hiệu và nhà phân phối có uy tín

Để tránh tình trạng ăn gian, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có thương hiệu và nhà phân phối có uy tín

Mua phải hàng không đủ trọng lượng, thể tích so với công bố, bị móc túi vì người bán hàng ăn gian khối lượng nhưng hiện nay người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi mà không biết kêu ai.

Từ 400g còn 300g 

Chị T.T.H. (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM) cho biết đã nhiều lần trở thành nạn nhân của việc bán hàng thiếu ký. Một ký trái cây thì chỉ còn 800g-900g. Mua thịt heo, tôm, cá hay những đồ khô như măng, miến, nấm... lần nào về nhà cân thử đều cho kết quả thiếu, nhiều thì 100g-200g/kg, ít thì 50g/kg.

Ngay cả đi mua hàng trong tiệm chứ không phải ở chợ nhưng nạn bán hàng thiếu ký vẫn thường xuyên xuất hiện, thậm chí các mặt hàng đóng bao bì với khối lượng 1kg, 2kg... “Mới đây tôi mua một bịch 2kg bột giặt nhưng khi cầm lên có cảm giác quá nhẹ liền đem cân lại thì chỉ khoảng 1,7kg” - chị Hằng nói.

Không chỉ các mặt hàng tươi sống, hàng khô bán lẻ bị thiếu ký mà cả những mặt hàng đã được đóng gói, đóng hộp niêm yết đàng hoàng vẫn có thể bị người đóng gói, cơ sở sản xuất “rút ruột” một phần. Chị Nguyễn Thị Khanh (P.Phước Long A, Q.9) kể nhiều lần chị phát hiện hộp sữa bột mua về bị thiếu trọng lượng.

Có lần thấy hộp sữa quá ít nên chị cân lại. Kết quả thật bất ngờ vì phần bột sữa chỉ khoảng 300g, trong khi chị mua loại 400g. Sau lần đó, chị thường xuyên cân lại thì phát hiện nhiều trường hợp khối lượng thực tế chỉ khoảng 350g-380g nhưng công bố trên nhãn là 400g.

Đa số là hàng giả

Chị Hòa (nhà ở Q.2) cho biết giữa các sản phẩm nước tương, nước mắm, tương ớt... cùng loại của các nhà sản xuất có sự chênh lệch khá nhiều về trọng lượng cũng như thể tích. Chị Hòa kể: mới đây mua một lúc hai chai nước mắm 500ml ở một tiệm tạp hóa gần nhà với giá mỗi chai 13.000 đồng.

Tuy nhiên, khi thấy chai nước mắm vơi hơn nhiều so với những chai 500ml mà trước đây chị hay dùng (nắp chai chưa hề có dấu hiệu bị mở), chị nhờ đo thử bằng chai chuyên dùng mới phát hiện thể tích thực của chai nước mắm chị mua chỉ trên 400ml, chai còn lại chưa được 450ml. “Nếu chỉ có một chai bị thiếu thì còn có thể là do sơ suất của nhà sản xuất nhưng cả hai chai đều không đủ so với công bố thì không thể nào chấp nhận được” - chị Hòa bức xúc.

Ông Hoàng Công Sơn - đội phó Đội quản lý thị trường 3A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết mới đây đội 3A đã kiểm tra và bắt giữ 53 thùng (mỗi thùng gồm 720 gói) dầu xả tóc V.FENDY của Công ty TNHH quốc tế đầu tư và phát triển Tâm Việt (TP.HCM).

Theo công bố trên nhãn, dung tích của sản phẩm 6,5ml nhưng kiểm tra của chi cục thì thực tế chỉ 5,6ml. Theo quy định, chỉ riêng hành vi gian lận về đo lường, công ty này phải nộp phạt 12 triệu đồng. Hiện chi cục vẫn đang tạm giữ toàn bộ lô hàng này và chỉ trả lại sau khi đơn vị vi phạm nộp xong tiền phạt. Ngoài ra, chi cục còn yêu cầu công ty trên phải thay toàn bộ bao bì và ghi đúng dung tích thực tế của sản phẩm.

Theo ông Dương Công Khanh - trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, kiểm tra của chi cục quản lý thị trường thời gian qua cho thấy tình trạng hàng thiếu trọng lượng so với công bố trên nhãn mác khá phổ biến, đặc biệt là các mặt hàng như bột ngọt, sữa, các loại lương thực, bánh kẹo, mỹ phẩm...

Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng phần lớn hàng thiếu trọng lượng nói trên không phải là hàng chính hãng, mà do các cơ sở nhỏ lẻ mua hàng xô về rồi mua bao bì của hãng để đóng gói bán ở các chợ, cửa hàng nhỏ. Họ vừa ăn gian khối lượng hàng hóa vừa ăn gian cả chất lượng (vì đó là hàng giả). Để tránh trở thành nạn nhân của nạn bán hàng thiếu ký, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên mua hàng ở siêu thị, các chuỗi cửa hàng bán lẻ của các nhà phân phối có uy tín. Đồng thời nên chọn mua sản phẩm có thương hiệu” - ông Khanh cho hay.

Nên cân thử hàng hóa trước khi mua

Mặc dù rất nhiều người tiêu dùng trở thành nạn nhân của việc rút ruột hàng hóa nhưng đa số họ đều buộc phải chấp nhận vì hàng đã khui ra rồi thì không thể giải quyết được. Đại diện Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng TP.HCM cho biết hầu như không có các khiếu nại liên quan đến vấn đề khối lượng hàng hóa cũng vì nguyên nhân nói trên.

Hơn nữa, người tiêu dùng không có nhiều thời gian để thắc mắc hay đòi đổi lại khi “quả bóng” trách nhiệm được đẩy từ người bán hàng sang người sản xuất, và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Do đó, theo những người có nhiều kinh nghiệm trong việc nội trợ, mua sắm, người tiêu dùng nên tập thói quen cân đo lại hàng hóa ngay tại nơi mua bán, tránh việc đem hàng về nhà, khui nắp ra rồi mới cân đo lại thì người bán hàng sẽ không chịu nhận hàng.

Theo TuoiTre Online

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất