Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 5/6/2023 21:0'(GMT+7)

Cần xây dựng “thương hiệu" để phát huy tiềm năng, thế mạnh của văn hóa, con người An Giang

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG, THƯỜNG XUYÊN CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

 Báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Thúy Xuân cho biết, trong thời gian qua, địa phương luôn xác định việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ (VHVN). Công tác quán triệt, tuyên truyền được triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, hội viên, văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân - nhất là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực này. Từ đó nâng cao nhận thức, hành động của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của VHVN trong đời sống xã hội. Các cấp ủy, chính quyền đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nội dung các chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện để kịp thời khắc phục những hạn chế và biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Chất lượng hoạt động của văn hóa, văn nghệ trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tạo được ấn tượng tốt và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần của đại đa số quần chúng Nhân dân và giới văn nghệ sĩ. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và bản sắc văn hóa ộng đồng bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được xây dựng, củng cố và từng bước đi vào nề nếp gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được nâng cao; tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, tín đồ tôn giáo được phát huy, nhân rộng. Các thiết chế văn hóa, các di tích lịch sử đã được đầu tư xây dựng, trùng tu tôn tạo, góp phần phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Hoạt động văn hóa, văn nghệ bám sát nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phản ánh các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng -an ninh, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội ở tại địa phương, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực VHVN như: công tác phối hợp giữa các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa đôi lúc chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, thiếu biện pháp và chế tài xử lý tình huống phát sinh; tình trạng xâm nhập, phát tán sản phẩm thông tin xấu -độc, bịa đặt, văn hóa độc hại qua không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội; tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Từ thực tiễn đó, địa phương cũng đã xây dựng và đề ra 8 nhóm giải pháp để khắc phục tồn tại hạn chế để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác VHVN trong thời gian tới. 

 

CẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU RIÊNG VỀ VĂN HÓA

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã có những chia sẻ, góp ý để hoạt động văn hóa, văn nghệ của An Giang trong thời gian tới ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt là địa phương cần quan tâm đầu tư một số hoạt động văn hóa, tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang “thương hiệu” đặc trưng riêng của tỉnh. Qua đó, giúp cho bạn bè trong nước, quốc tế khi nghĩ tới An Giang là nhớ về nét văn hóa riêng có đó, góp phần lan tỏa những nét đẹp truyền thống của An Giang. Về phía địa phương, các đại biểu đã chia sẻ một số khó khăn hiện nay mà các đơn vị đang gặp phải, những kinh nghiệm và một số cách làm hay, mô hình tiêu biểu trong hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, kiến nghị Đoàn công tác một số vấn đề  liên quan đến những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý Nhà nước về VHVN. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Nưng đã nhấn mạnh thêm về những thành tựu cũng như khó khăn trong lĩnh vực VHVN của địa phương - nhất là hạn chế về nguồn lực đầu tư. Dù vậy trong thời gian qua địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa. Sự chung tay nhiệt tình của các mạnh thường quân đã phần nào phản ánh chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn nên đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Trong thời gian tới, để giải quyết những hạn chế, khó khăn đang gặp phải, địa phương đã xây dựng các giải pháp cụ thể cho những năm tiếp theo, trong đó chú trọng tới công tác giáo dục và kêu gọi tinh thần quyết tâm, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và sự dấn thân của đội ngũ cán bộ làm công tác VHVN. Lãnh đạo tỉnh tiếp thu, ghi nhận những đánh giá, góp ý chân thành, sâu sắc của đoàn công tác để tiếp tục hoàn thiện giải pháp trong thời gian tới và mong các kiến nghị của An Giang được Đoàn công tác quan tâm, có những tham mưu, kiến nghị lên cấp trên để từng bước tháo gỡ, giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể.

Đồng chí Lê Văn Nưng

Đồng chí Lê Văn Nưng  thay mặt Lãnh đạo tỉnh tiếp thu, ghi nhận những đánh giá, góp ý chân thành, sâu sắc của đoàn công tác để tiếp tục hoàn thiện giải pháp trong thời gian tới và mong các kiến nghị của An Giang được Đoàn công tác quan tâm, có những tham mưu, kiến nghị lên cấp trên để từng bước tháo gỡ, giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của VHVN và sự quan tâm vào cuộc của Đảng, Nhà nước để “chấn hưng” văn hóa nước nhà đã được thể hiện qua các văn kiện, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan tới lĩnh vực này, nhất là phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Đánh giá cao những kết quả mà An Giang đã thực hiện trong lĩnh vực VHVN thời gian qua với tiềm năng, thế mạnh của địa phương - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, giàu truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng; nơi được lịch sử trao gửi quản lý nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ (một trong 3 nền văn hóa cổ của Việt Nam cùng với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung). Làm gì để phát huy những giá trị văn hóa đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của An Giang đối với cả nước. Để làm được điều đó, đồng chí Trần Thanh Lâm đề xuất An Giang quan tâm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trong thời gian tới:

Thứ nhất, Tỉnh cần tiếp tục quan tâm quán triệt và nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của VHVN trong thời kỳ mới, đặc biệt bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về vấn đề này sắp tới; cập nhật thường xuyên các văn bản mới để thực hiện sát với thực tiễn. 

Thứ hai, cần làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam, con người An Giang phát triển toàn diện, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với quê hương đất nước. Tuyên truyền trong Nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ luôn đề cao lòng tự trọng, thấy rõ trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đề cao xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ tư, đặc thù là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia gần 100km, do đó tỉnh cần quan tâm tới định hướng để làm tốt công tác phát triển VHVN khu vực giáp biên và giao lưu hợp tác quốc tế nhưng đồng thời phải đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại, phản bác các quan điểm sai trái lợi dụng những vấn đề văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ năm, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khai thác các thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch trên địa bàn, bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc để vừa lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống vừa giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, An Giang cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ để cán bộ làm công tác văn hóa có điều kiện thuận lợi phát triển.

Đồng chí Trần Thanh Lâm đặc biệt gợi ý cho địa phương cần xem xét, nghiên cứu, đầu tư xây dựng “thương hiệu” đặc trưng thể hiện bản sắc văn hóa riêng có so với các tỉnh, thành trong khu vực để khi nhắc tới An Giang là người ta sẽ nhớ tới ngay thương hiệu văn hóa đặc sắc đó.

* Trước đó, đồng chí Trần Thanh Lâm và Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến khảo sát thực tế tại Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn./.

Tin, ảnh: Trường Giang - Thanh Hải

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất