Tiếp tục chuyển tên lửa
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hôm nay dẫn nguồn tin quân sự cho hay, Triều Tiên đã đưa hai tên lửa tầm trung lên phương tiện mang chở và giấu chúng tại một căn cứ chưa được xác định tại bờ biển phía đông nước này.Thông tin này được đưa ra càng khiến dấy lên nghi vấn Triều Tiên đang sẵn sàng cho một vụ phóng tên lửa bất ngờ.
Đầu tuần này, Triều Tiên đã chuyển tên lửa tầm trung “Musudan”, loại tên lửa có khả năng bay xa từ 3.000 đến 4.000 km và có thể đánh tới căn cứ của Mỹ tại đảo Guam trên biển Thái Bình Dương, tới bờ biển đông. Đáp trả, Mỹ đã gửi hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân tới căn cứ của nước này tại đảo Guam. Hàn Quốc cũng điều thiết bị phá hủy Aegis được trang bị các hệ thống ra-đa hiện đại tới vùng biển đông và tây của nước này. Hiện các nhân viên tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ căn cứ được cho là nơi cất giấu tên lửa Musudan. Quân đội Hàn Quốc cũng đang cho hoạt động hệ thống ra-đa tên lửa đánh chặn Green Pine, và máy bay cảnh báo sớm “Con mắt hòa bình” theo mức độ tăng cường tình trạng sẵn sàng chiến đấu để chuẩn bị đối phó với khả năng phóng tên lửa của đối phương.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói tại buổi họp báo: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động chuẩn bị tên lửa của Triều Tiên, nhưng chưa rõ khi nào hay địa điểm họ sẽ phóng tên lửa. Chúng tôi sẽ tăng cường tư thế chiến đấu của quân đội”.
Không đưa người khỏi Kaesong
Trong khi đó, chiều nay Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae cho biết, Seoul chưa cân nhắc việc rút về các công nhân Hàn Quốc đang làm việc tại tổ hợp công nghiệp liên Triều Kaesong trên đất của Triều Tiên.
Theo Bộ trưởng Ryoo Kihl-jae: “Khi tình hình yêu cầu, việc rút người về sẽ được tiến hành nhằm bảo đảm an toàn cho các công nhân tại đây. Nhưng hiện nay, tình hình chưa đến mức nguy hiểm như vậy, do đó chính phủ chưa xem xét việc đưa người về”.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng
Trước những căng thẳng không ngớt, cộng đồng quốc tế mỗi lúc không thể ngồi yên, các quốc gia lần lượt đều bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để giảm căng thẳng.Hôm qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tái kêu gọi CHDCND Triều Tiên đóng góp “chủ động và mang tính xây dựng” đối với hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên.Tổng thư ký Ban khẳng định: “Đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi”. Ông đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ sự điều chỉnh sai lầm nào cũng dẫn tới những hậu quả vô cùng khốc liệt.
Cũng trong ngày hôm qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã chỉ trích động thái của Triều Tiên và nói: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc Bình Nhưỡng đã phớt lờ các nghị quyết của HĐBA LHQ và các nghị quyết cơ bản về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Ông Lukashevich cho biết, Nga cam kết sẽ liên lạc với các nước liên quan, trong đó có Mỹ để ngừng các hành động và phát ngôn nguy hiểm này, đồng thời xây dựng các điều kiện cho việc nối lại sớm đàm phán sáu bên.
Cùng ngày, Cao ủy các vấn đề đối ngoại của EU Catherin Ashton nói, bà lấy làm tiếc về việc Triều Tiên tuyên bố mở cửa lại lò phản ứng Yongbyon, và đây là “sự vi phạm rõ ràng” các nghị quyết của LHQ và các cam kết của nước này hồi năm 2007 trong cuộc đàm phán sáu bên. Trong thông cáo đưa ra, bà Ashton kêu gọi Triều Tiên cần kìm chế để giảm căng thẳng và thể hiện các cam kết của mình.
Bộ Ngoại giao Hungari ra thông cáo ủng hộ phát biểu của bà Ashton và lên án mạnh mẽ tuyên bố khởi động lại nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.
Người phát ngôn nhà trắng Jay Carney hôm thứ ba đã lên tiếng rằng tuyên bố của Triều Tiên là vi phạm các nguyên tắc quốc tế.
Theo thống kê điều tra của Gallup vào hôm qua, có tới 55% số người Mỹ ủng hộ việc sử dụng sức mạnh để bảo vệ Hàn Quốc nếu Triều Tiên tấn công quân sự chống nước này, trong khi chỉ có 34% nói rằng Washington không nên làm như vậy.
Trung Quốc, nước láng giềng lớn của Triều Tiên hôm thứ ba cũng nói rằng lấy làm tiếc về ý định mở cửa cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, “đồng thời kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh, quay lại đối thoại và tham vấn càng sớm càng tốt và cùng nhau tìm các giải pháp hợp lý giải quyết vấn đề hiện nay”.
Đáp trả các hành động của Triều Tiên, Nhật Bản hôm nay đã quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt đơn phương của nước này đối với Triều Tiên lên hai năm, khi mà các biện pháp hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 13-4.
Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Antonip Patriota hôm qua cũng lên bày tỏ rằng ông hy vọng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ không leo thang để dẫn tới một cuộc chiến tranh thực sự.
Theo Nhân dân