Tổng thư ký Ban Ki- moon nhấn mạnh xóa bỏ hiểm họa bom mìn là một công tác
đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu, giúp bảo vệ
sinh mạng con người và đẩy nhanh tiến bộ quốc gia.
Liên hợp quốc hiện đang hỗ trợ công tác gỡ bỏ bom mìn tại nhiều quốc gia như
Afghanistan, Campuchia, Colombia, Lào, Lebanon, song tiến trình này cần được đẩy
mạnh hơn nữa trong bối cảnh tình hình bất ổn tại nhiều quốc gia trên thế giới
đang tạo ra thêm những nạn nhân mới của thảm họa bom mìn, tiêu biểu như Syria và
Mali.
Tổng thư ký cũng kêu gọi các quốc gia sớm tham gia vào các hiệp ước chống bom
mìn quan trọng, ca ngợi 161 quốc gia thành viên đã tham gia Công ước Ottawa 1997
về chống bom mìn sát thương, 111 quốc gia ký kết Công ước về bom chùm, 81 nước
tham gia Nghị định thư V về gỡ bỏ vật liệu nổ sau chiến tranh của Công ước vũ
khí thông thường.
Nhân ngày Quốc tế Nhận thức về bom mìn và Hỗ trợ hành động chống bom mìn năm
nay, Tổng thư ký tái khẳng định quyết tâm của Liên hợp quốc trong nâng cao nhận
thức và thúc đẩy hành động chống bom mìn toàn cầu, ban hành Chiến lược Liên hợp
quốc về hành động chống bom mìn giai đoạn 2013-2018, vạch ra các bước hành động
cụ thể hướng tới xây dựng một thế giới an toàn không còn hiểm họa bom mìn và
chất nổ chiến tranh, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ các nạn
nhân bom mìn hòa nhập với xã hội.
Năm 2005, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 4/4 hàng năm làm ngày Quốc
tế Nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động chống bom mìn, kêu gọi các quốc gia và
các tổ chức góp sức với Liên hợp quốc để thành lập các cơ quan chống bom mìn tại
những quốc gia đang đối mặt với hiểm họa bom mìn và vật liệu nổ sau chiến
tranh./.
Theo TTXVN