Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 4/4/2013 21:20'(GMT+7)

Triều Tiên yêu cầu công nhân Hàn Quốc rời Kaesong trước 10/4

Các phương tiện của Hàn Quốc đi vào Khu công nghiệp Kaesong đều phải quay trở lại (Ảnh: AP)

Các phương tiện của Hàn Quốc đi vào Khu công nghiệp Kaesong đều phải quay trở lại (Ảnh: AP)

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, ngày 4/4, Triều Tiên đã yêu cầu đến ngày 10/4 tới tất cả các công ty và công nhân Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong phải rời khỏi đây. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết thông tin này chưa được xác thực và phía Hàn Quốc chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về thời hạn này.

Ngày 3/4, Triều Tiên đã ngăn không cho các công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp tại khu vực biên giới Kaesong, 4 ngày sau khi cảnh báo sẽ đóng cửa khu công nghiệp chung nếu Seoul tiếp tục có các hành động xúc phạm Bình Nhưỡng.

Mỹ cho rằng việc Triều Tiên không cho phép các công nhân Hàn Quốc tiếp cận với khu công nghiệp chung Kaesong là một quyết định đáng tiếc. Mỹ cũng kêu gọi Triều Tiên dỡ bỏ ngay lệnh cấm này. Theo quan điểm của Mỹ, quyết định này có thể gây tác động đến lợi ích kinh tế của cả những người Triều Tiên đang làm việc tại đây.

Khu công nghiệp chung được thành lập năm 2004 tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Triên và được coi là biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều. Hiện ở đây đang có khoảng 120 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động, sử dụng khoảng 50.000 lao động Triều Tiên.

Căng thẳng leo thang nhanh chóng trên Bán đảo Triều Tiên trong những ngày qua sau hàng loạt tuyên bố của Triều Tiên về việc khởi động lại khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon và yêu cầu công nhân Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp Kaesong.

Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể "vượt ngoài tầm kiểm soát". Cơ quang Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng lấy làm tiếc về quyết định khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Trong khi đó, Mỹ đã điều 2 tàu khu trục đến Tây Thái Bình Dương để đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên. Song Washington cũng khẳng định, sẵn sàng nối lại đàm phán nếu Bình Nhưỡng "nghiêm túc về giải trừ hạt nhân"./.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất